Làng nghề hối hả vào Tết

Cập nhật ngày: 07/12/2015 12:57:22

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2016, nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Lấp Vò đang tất bật với những công việc cho vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm.

Làng nghề chổi lông gà tăng tốc sản xuất

Không khí sản xuất ở làng nghề chổi lông gà (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò) những ngày này nhộn nhịp hơn hẳn. Chị Phạm Thị Bích Tuyền ngụ ấp Bình An, xã Bình Thành cho biết: “Ngay từ thời điểm tháng 6 âm lịch, tôi cùng các thành viên trong gia đình bắt tay vào làm chổi chuẩn bị Tết. Thời tiết nắng nhiều rất thuận lợi cho nghề sản xuất chổi. Để sản xuất kịp Tết, có lúc gia đình tôi tranh thủ làm luôn vào ban đêm. Năm nay, với số vốn đầu tư hơn 25 triệu đồng, gia đình tôi chuẩn bị hơn 5.000 sản phẩm chổi cung ứng ra thị trường”.


Làng nghề chổi lông gà đang hối hả chuẩn bị cho thị trường Tết

Làng nghề chổi lông gà Bình Thành có từ lâu đời với khoảng 230 hộ tham gia sản xuất. Sản phẩm nơi này chủ yếu được cung ứng cho thị trường trong tỉnh, các tỉnh lân cận và Campuchia... Dịp Tết, mỗi hộ có thể cung ứng từ 5.000 - 15.000 sản phẩm ra thị trường, tăng gấp 2,3 lần so với ngày thường. Với giá bán hiện tại, dao động từ 5.000 - 50.000 đồng/sản phẩm, người sản xuất thu lãi khoảng 20%/sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Đông - Tổ trưởng Làng nghề chổi lông gà Bình Thành chia sẻ: “Việc sản xuất năm nay thuận lợi hơn do giá cả bình ổn và thời tiết thuận lợi. Ngoài ra, nguồn cung các nguyên vật liệu sản xuất nguồn cung khá dồi dào. Nghề này tuy không làm giàu nhưng có thể mang lại thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/tháng/người, dịp Tết, thu nhập có thể tăng lên. Vài năm trở lại đây, một số hộ làm chổi lông gà đầu tư nhiều trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mọi công đoạn từ đầu vào đến thành phẩm đều được chú trọng hơn nhằm tăng sức cạnh tranh”.

Bên cạnh các hộ sản xuất, người không có vốn cũng có việc làm ổn định từ việc quấn dây thuê, uốn trúc... với thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày.

Hối hả làng nghề dệt chiếu, làng nghề sản xuất thớt

Mặc dù còn bộn bề với nhiều công việc lo cho vụ lúa đông xuân, song không vì thế mà không khí sản xuất tại làng nghề dệt chiếu Định Yên và làng nghề làm thớt Định An bị giảm xuống. Người trong nghề đang tích cực sản xuất sản phẩm đáp ứng nguồn hàng tiêu thụ Tết.


Dệt chiếu chuẩn bị Tết

Chị Võ Thị Thùy Dương ngụ ấp An Lợi A, xã Định Yên cho biết: “Năm nay, việc sản xuất chiếu Tết khởi động khoảng cuối tháng 9 âm lịch, sớm hơn so với mọi năm khoảng 1 tuần. Gần Tết, mặt hàng chiếu bán chạy hơn ngày thường khoảng 10 - 20%. Ngày thường mình phải tìm kiếm mối tiêu thụ nhưng gần đến Tết, các đại lý, thương lái tìm đến tận nhà đặt mua sản phẩm. Có khi làm luôn ban đêm để kịp giao hàng. Ngoài ra, do nhu cầu tiêu thụ của thị trường ngày càng cao nên tôi luôn cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm để đáp ứng. Hiện tại, chiếu mỏng có giá khoảng 54.000 đồng/chiếc (loại 2,5kg); chiếu dày 60.000 đồng/chiếc (loại 2,9 - 3kg). Vào tháng Tết có thể sản xuất từ 400 - 500 lá chiếu, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình tôi còn lời hơn 10 triệu đồng”.

Những ngày này, không khí tại làng nghề sản xuất thớt Định An cũng không kém phần nhộn nhịp. Hàng chục hộ đang khẩn trương với các công đoạn cưa, đục để hoàn thành các sản phẩm phục vụ Tết. Ông Nguyễn Văn Thanh ngụ ấp An Hòa, xã Định An cho biết: “Nghề làm thớt sản xuất được quanh năm, bởi sản phẩm làm ra có thể giữ lại chờ tiêu thụ. Những ngày Tết, nhu cầu sử dụng thớt có tăng hơn 10% so với bình thường nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh sản phẩm từ nhiều địa phương khác. Mỗi ngày, gia đình tôi sản xuất ra 100 sản phẩm thớt phục vụ thị trường”.


Người dân làng nghề thớt tăng tốc sản xuất

Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng hơn nửa thế kỷ qua, người dân tại các làng nghề vẫn cố gắng bám trụ cùng với nghề, bởi đây vừa là nghề tạo thêm thu nhập vừa là nghề truyền thống.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn