Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
Cập nhật ngày: 06/08/2024 05:32:46
ĐTO - Tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) là chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, trở thành “điểm sáng” và là một trong những trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình đổi mới.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội cùng các ngành liên quan kiểm tra việc sử dụng vốn tín dụng chính sách tại các hộ dân
Với chức năng đó, TDCSXH đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia trong giai đoạn hiện nay, góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội như: xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo ở nông thôn và các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ; phát triển nhà ở xã hội, hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới... Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã đồng hành cùng hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đa dạng hóa về nội dung, hình thức tuyên truyền TDCSXH đến các tầng lớp nhân dân thông qua các cuộc họp của Ban công tác Mặt trận, các chi, tổ hội, 27 Câu lạc bộ của các tổ chức chính trị - xã hội gắn với sinh hoạt lồng ghép vào các buổi sinh hoạt các chi, tổ hội, Tổ Nhân dân tự quản, hội quán; thông qua Trang thông tin điện tử Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các nhóm Zalo Mặt trận Tổ quốc các cấp, các cuộc hội nghị chuyên đề, kết quả tuyên truyền trên 10.000 cuộc; số người dự trên 100.000 người đối tượng tham dự. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương, chính sách về tín dụng cho người nghèo; giải pháp sử dụng vốn, làm ăn hiệu quả để người nghèo nắm và thực hiện...
Ban Thường trực Ủy ban Măt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 42/KH-MTTQ-BTT ngày 8/4/2020 về tổ chức các hoạt động “Vì người nghèo” và an sinh xã hội giai đoạn 2020 - 2024. Theo đó, ngoài việc hỗ trợ các chính sách tín dụng cho người nghèo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức vận động các nguồn lực trong, ngoài địa phương để xây dựng nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Kể từ năm 2014 đến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã huy động từ cộng đồng, dòng tộc đóng góp, đối ứng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng mới và sửa chữa 6.614 căn nhà đại đoàn kết, kinh phí trên 763 tỷ đồng; hỗ trợ sản xuất cho gần 19.300 người với số tiền 688 triệu đồng; hỗ trợ khám chữa bệnh cho hơn 574.100 người, kinh phí 170 tỷ đồng; mua bảo hiểm y tế hơn 72.000 người, gần 143.700 học sinh, kinh phí 54 tỷ đồng.
Qua hoạt động nhận ủy thác, đã hỗ trợ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện tập hợp, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và giúp họ phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, tích cực tham gia các buổi sinh hoạt Hội để nắm bắt các chương trình khuyến nông, chuyển giao khoa học kĩ thuật, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí... góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, tạo điều kiện để các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới địa phương. Bên cạnh đó, là sự tương tác của người dân tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng từng bước xây dựng và củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh, kết hợp hiệu quả giữa ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế và ngăn ngừa tình trạng tín dụng đen...
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, dư nợ cho vay của các đơn vị nhận ủy thác (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Tỉnh đoàn) năm 2014 là 2.170 tỷ đồng; đến tháng 6/2024 tăng lên 5. 225 tỷ đồng (tăng 3.226 tỷ đồng so với năm 2014).
Thông qua các chương trình tín dụng chính sách xã hội, các đối tượng thụ hưởng còn có điều kiện trang trải chi phí học tập, xây dựng nhà ở, công trình nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh; nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bệnh tật; làm thay đổi nhận thức của người nghèo, giúp họ thêm tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội, góp phần quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội.
TN