Mô hình “Sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh” tiếp tục được duy trì và nhân rộng

Cập nhật ngày: 18/01/2020 05:01:31

ĐTO - Vào tháng 6/2016, Đoàn công công tác tỉnh Đồng Tháp do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương làm Trưởng đoàn có chuyến thăm và làm việc tại Tập đoàn Mỹ Lan – tọa lạc Khu công nghiệp Long Đức, tỉnh Trà Vinh do Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ làm Chủ tịch Tập đoàn. Chuyến công tác này có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Đồng Tháp và cả Tập đoàn Mỹ Lan trong việc kết nối phát triển nông nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực tại tỉnh Đồng Tháp. Ngoài sản xuất các dòng sản phẩm truyền thống liên quan đến công nghệ thông minh, Tập đoàn Mỹ Lan còn hướng đến thị trường những dòng sản phẩm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghệ bảo quản sau thu hoạch như: phân bón thông minh, bao bì thông minh...


Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan
(bên trái) giới thiệu về lĩnh vực công nghiệp, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực của Tập đoàn

Trong chuyến thăm và làm việc, UBND tỉnh Đồng Tháp và Tập đoàn Mỹ Lan đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực: nghiên cứu nâng cao chất lượng, bao bì, bảo quản sản phẩm và công nghệ sau thu hoạch; liên kết đào tạo với Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp..., để đào tạo đội ngũ sinh viên chất lượng cao về các chuyên ngành hóa học, công nghệ sinh học, nông nghiệp; thực hiện chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân nhân rộng mô hình sử dụng phân bón thông minh...

Ông Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, chuyến thăm và làm việc tại Tập đoàn Mỹ Lan mang lại nhiều trải nghiệm mới mẻ cho các doanh nghiệp tại Đồng Tháp về việc tiếp cận với các công nghệ sản xuất tiên tiến. Đây còn là dịp để tỉnh Đồng Tháp học hỏi những kinh nghiệm hay của Tập đoàn Mỹ Lan về phương thức vận hành, tổ chức bộ máy hiệu quả, cách khơi nguồn sáng tạo và nâng cao hiệu suất làm việc tại Tập đoàn Mỹ Lan. Với những thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Mỹ Lan và tỉnh Đồng Tháp sẽ là đòn bẩy giúp tỉnh có những chuyển dịch mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh lộ trình thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, nâng cao đời sống cho người dân ở vùng nông thôn.

Tại xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ phối hợp triển khai thực hiện mô hình “Sản xuất lúa sử dụng phân bón thông minh” tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2 thuộc xã Mỹ Đông. Bắt đầu từ vụ đông xuân năm 2017 - 2018 triển khai thực hiện mô hình với diện tích 7,6ha, đến năm 2019 tổng diện tích sản xuất cả năm là 55,15ha. Qua đánh giá cả 3 vụ sản xuất năm 2019, giá thành sản xuất 1kg lúa trong mô hình thấp hơn so với đối chứng từ 165 - 224 đồng/kg, năng suất từ bằng và cao hơn so với đối chứng, lợi nhuận cao hơn ruộng đối chứng khoảng 1,9 -2,1 triệu đồng/ha.

Việc sản xuất của mô hình nói trên đã áp dụng đồng bộ 3 khâu trong một máy cơ giới như: cấy lúa, bón phân vùi theo gốc lúa, kết hợp phun xịt thuốc diệt cỏ dại tiền nảy mầm, diệt ốc... thời gian thực hiện một cách nhanh chóng, dễ dàng áp dụng biện pháp quản lý dịch tổng hợp IPM. Phân bón chậm tan được vùi trong đất nên được đất giữ lại, giảm lượng phân bón bốc hơi, rửa trôi, phân được vùi nên giúp bộ rễ ăn sâu. Lúa sau khi cấy phục hồi nhanh, phát triển tốt, lá xanh đầm, nảy chồi mạnh (24 tép/bụi), lúa cứng cây không đổ ngã khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi. Sản phẩm sau thu hoạch tính đồng đều cao nên lúa bán có giá cao hơn ruộng đối chứng từ 200 - 400 đồng/kg; giảm thất thoát, giảm chi phí thu hoạch do lúa không đổ ngã. Từ đó năng suất và chất lượng lúa được nâng lên.

Thực hiện mô hình giúp nông dân nắm bắt được những tiến bộ khoa học kỹ thuật các khâu quan trọng, giảm chi phí vật tư đầu vào, giảm chi phí nhân công lao động từ 2 – 3 lần như: giảm giống còn 60kg/ha; giảm số lượng phân bón (bón phân vùi 1 lần theo gốc lúa ngay lúc cấy, với số lượng phân 250kg/ha); giảm phun thuốc bảo vệ thực vật (chỉ phun thuốc khi thật cần thiết, tuân thủ không dùng thuốc trừ sâu trước 40 ngày sau cấy và không sử dụng thuốc trừ bệnh trong 20 ngày trước khi thu hoạch)... góp phần rất lớn trong việc bảo vệ thiên địch, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.

Đặc biệt, công tác quản lý nước sản xuất theo mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0 vào sản xuất như lắp đặt hệ thống cảm biến mực nước hoạt động bằng pin năng lượng mặt trời và thiết bị bơm tưới nước tự động. Xét thấy đây là mô hình mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất. Do đó, huyện Tháp Mười tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình này trên địa bàn huyện trong năm 2020 là 175ha tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2 và thực hiện thêm tại Hợp tác xã Thắng Lợi.

M.LÝ - N.TÂM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn