Năm 2019, bức tranh ngành công nghiệp có nhiều điểm sáng

Cập nhật ngày: 04/01/2020 07:20:24

ĐTO - Mặc dù gặp nhiều khó khăn về rào cản thương mại, xuất khẩu, thị trường... nhưng năm qua, ngành công nghiệp tỉnh vẫn duy trì đà tăng trưởng khá, cơ cấu sản xuất có sự dịch chuyển đúng hướng, sản phẩm công nghiệp ngày càng được đầu tư theo chiều sâu, hệ thống phân phối hàng hóa ngày càng mở rộng và đa dạng...


Trái xoài hiện đã được xuất khẩu vào thị trường Mỹ

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,61%

Sở Công Thương đánh giá, năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục được đà tăng trưởng mạnh, chiếm 97,31%/tổng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp. Trong đó, công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP chung của tỉnh.

Các sản phẩm công nghiệp của tỉnh ngày càng được đầu tư phát triển theo chiều sâu, gia tăng hàm lượng công nghệ, chế biến tinh để nâng giá trị gia tăng, nâng cao tính cạnh tranh theo chuỗi giá trị ngành hàng (lúa gạo, thuỷ sản chế biến,.. ). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2019 ước tăng 7,1% so với năm 2018. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng khá ổn định và tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này phản ánh những giải pháp thúc đẩy và hỗ trợ sản xuất trong thời gian qua của ngành đã phát huy tác dụng. Năm 2019 giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 63.250 tỷ đồng, tăng 10,61% so với năm 2018.

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại nội tỉnh tương đối ổn định với lượng hàng hóa cung cấp khá dồi dào, đa dạng về mẫu mã với giá cả hợp lý, đáp ứng tốt cho nhu cầu mua sắm của nhân dân. Các mặt hàng nông sản đặc trưng của tỉnh ngày càng có chỗ đứng vững chắc trong hệ thống các doanh nghiệp phân phối lớn, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng nông sản sạch,...

Điểm đáng chú ý trong năm 2019 đó là cùng với việc đưa vào hoạt động Trung tâm thương mại Vincom Plaza Cao Lãnh, chuỗi cửa hàng tiện ích Vinmart+, Bách hóa Xanh đã tạo nên một diện mạo mới hoạt động thương mại của tỉnh.

Các doanh nghiệp của tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, nhất là hàng nông sản của tỉnh như: trái xoài xuất khẩu vào thị trường Mỹ, mãng cầu xiêm sấy dẻo và trà trái mãng cầu xiêm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Các mặt hàng xuất khẩu đều có mức tăng trưởng khá tốt so với năm 2018, nhất là các sản phẩm may mặc (tăng 155,65%); bánh phồng tôm, bánh kẹo, ngũ cốc (tăng 16,47%); gạo (tăng 0,9%). Đến nay hàng hóa của tỉnh đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới...


Cá tra được nuôi theo hướng an toàn phục vụ xuất khẩu

Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng

Bên cạnh nhiều kết quả đáng ghi nhận, bức tranh ngành công nghiệp của tỉnh còn tồn tại nhiều khó khăn. Sở Công Thương cho biết, năm 2019 thu hút đầu tư của tỉnh chưa có nhiều đột phá, do các chính sách để thu hút các dự án đầu tư chưa có nhiều sự ưu đãi khác biệt so với khu vực khác nên chưa tạo được sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, do nguồn vốn đầu tư lớn, quy mô sản xuất nhỏ, trình độ tay nghề của người lao động còn hạn chế nên chưa tận dụng hết công suất của máy móc thiết bị. Các doanh nghiệp chế biến vẫn tập trung chủ yếu ở khâu chế biến thô, rất ít doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến sâu do đó giá trị thặng dư của sản phẩm mang lại chưa cao; các sản phẩm công nghiệp chủ lực của ngành chưa có nhiều thay đổi, sản phẩm hàng hóa có hàm lượng công nghệ thấp, khả năng cạnh tranh kém, tiềm lực của cộng đồng doanh nghiệp chưa đủ mạnh...

Theo dự báo, năm 2020, tình hình quốc tế và khu vực được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và kinh tế, thương mại toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro; môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, cùng với xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước của các quốc gia nhập khẩu ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ của một số sản phẩm ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến của tỉnh đang nảy sinh những thách thức mới, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất ngành chế biến nông – thủy sản của tỉnh. Trong bối cảnh đó, để hoàn thành chỉ tiêu trong năm 2020 với giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp đạt 11.125 tỷ đồng, tăng 8,86% so với năm 2019; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 68.940 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2019; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đạt 101.100 tỷ đồng, tăng 13,04% so với năm 2019; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 412 triệu USD, tăng 1,73% so với ước thực hiện năm 2019...

Ngành công thương đề ra các giải pháp cụ thể, đó là tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp sản xuất phát triển, nhất là ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản trên cơ sở tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tiến công nghệ để phát triển các sản phẩm mới, có tính cạnh tranh và hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu, nâng cao trình độ sản xuất để tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất trong nước và chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đó, sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, chú trọng phát triển bền vững nguồn hàng (lúa gạo, thủy sản chế biến), tận dụng tối đa các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại; thường xuyên thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế; đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn hóa sản phẩm, đảm bảo vượt qua các rào cản kỹ thuật của thị trường các nước nhập khẩu. Đồng thời đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đề xuất đơn giản hóa hoặc phân cấp giải quyết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực; đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 từng bước hiện đại hóa nền hành chính nhà nước...

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn