Ngành ngân hàng Đồng Tháp thực hiện tốt vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế

Cập nhật ngày: 15/06/2024 10:25:00

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240615102538DT2-2.mp3

 

ĐTO - Những tháng đầu năm 2024, trước bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, song ngành ngân hàng tỉnh Đồng Tháp đã nỗ lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện rõ sự đoàn kết, năng động, trách nhiệm, sẻ chia, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), người dân vượt qua khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà.


Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp (NHNN-ĐT), trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành ngân hàng tỉnh tiếp tục theo dõi, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, các quy định về hoạt động ngân hàng đối với các tổ chức tín dụng (TCTD). Trong đó, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng; triển khai thực hiện chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...

Tính đến ngày 30/6/2024, huy động vốn toàn ngành ngân hàng ước đạt 68.455 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 456 tỷ đồng, tăng 0,67%; dư nợ đạt 108.095 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 520 tỷ đồng, tăng 0,48%; tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ được kiểm soát dưới 2%. Đối với các chương trình tín dụng ưu đãi, hiện nay, hệ thống ngân hàng tại Đồng Tháp cho vay mạnh nhất vào các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt 71.370 tỷ đồng; cho vay nuôi trồng, chế biến thủy sản đạt 13.555 tỷ đồng; cho vay lúa gạo đạt 14.397 tỷ đồng; cho vay DN nhỏ và vừa đạt 12.500 tỷ đồng.

Thời gian qua, ngành ngân hàng chỉ đạo các TCTD phối hợp các đơn vị có liên quan chuyển đổi hình thức chi trả trợ cấp từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt đối với các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ, hướng dẫn triển khai chi trả an sinh xã hội. Các TCTD cũng tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ thanh toán, dịch vụ thanh toán số trong các sự kiện của tỉnh... Đồng thời, NHNN-ĐT đã ký kết kế hoạch phối hợp với các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong 6 tháng đầu năm, NHNN-ĐT và các TCTD nghiêm chỉnh chấp hành đúng quy định về việc niêm yết công khai tỷ giá và việc mua, bán, cho vay ngoại tệ; tiếp tục tham gia đóng góp các chương trình an sinh xã hội tại địa phương với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng.

Ông Phan Duy Phúc - Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: “Thực hiện chỉ đạo của NHNN-ĐT, đơn vị đã bám sát phương châm hành động và quan điểm chỉ đạo điều hành. Qua đó, lãnh đạo tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm, đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, huy động vốn thị trường ước đạt 5.150 tỷ đồng, đạt 100,5% kế hoạch; dư nợ tín dụng ước đạt 9.000 tỷ đồng, đạt 97,6% kế hoạch; nợ xấu kiểm soát ở mức 0,65% trên tổng dư nợ. Song song đó, đơn vị còn triển khai các chương trình cho vay ưu đãi dành cho khách hàng DN và cá nhân, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, vượt qua khó khăn trong hoạt động sản suất, kinh doanh. Đơn vị cũng thực hiện triển khai mạnh mẽ các dự án chuyển đổi số; thanh toán không dùng tiền mặt đến DN, người dân...”.

Theo NHNN-ĐT, trong những tháng tiếp theo của năm 2024, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, hạn chế tăng trưởng tín dụng ở các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đẩy mạnh “tín dụng xanh”. Cùng với đó, chỉ đạo các TCTD thực hiện nghiêm quy định lãi suất huy động, lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đẩy mạnh các giải pháp thu hút nguồn vốn huy động tại chỗ, tranh thủ nguồn vốn điều hòa từ Hội sở để đáp ứng nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tiếp tục xem xét, điều chỉnh lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, chia sẻ khó khăn với khách hàng.

NHNN-ĐT kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động; nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm; triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức, DN kinh doanh vàng trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng...

Nhật Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn