Ngành nông nghiệp tỉnh kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19
Cập nhật ngày: 19/08/2021 14:27:08
ĐTO - Trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, ngành nông nhiệp tỉnh đưa ra một số giải pháp và kiến nghị các bộ, ngành hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp (NN) phục hồi sản xuất trong và sau dịch Covid -19.
Sản phẩm chanh không hạt xuất khẩu của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Long, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh
6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 21 HTX NN, 9 tổ hợp tác (THT), 6 Hội quán bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, đối với các HTX có sản phẩm xuất khẩu nông sản như: xoài, chanh, ổi,... sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác bị giảm về sản lượng từ 30 - 60% và giá bán giảm từ 30 - 70% so với thời điểm trước dịch bệnh Covid-19. Nông sản của các HTX NN cũng giảm mạnh sản lượng tiêu thụ tại thị trường nội địa. Cụ thể, đối với một số HTX cung cấp các loại nông sản tươi như: chanh, ổi, xoài,... cho các hệ thống siêu thị Coopmart, Coopfood, Big C, cửa hàng Bách Hóa Xanh cũng giảm về sản lượng và giá thu mua từ 20 - 50% so với thời điểm trước dịch bùng phát. Các HTX cung ứng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho thành viên HTX gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn do hiệu quả sản xuất thấp, ảnh hưởng đến việc tái đầu tư vụ sau.
Để trợ lực các HTX phát triển, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp có nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên theo ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ phía Nhà nước dành cho HTX còn hạn chế so với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, các chính sách chậm hướng dẫn thực hiện, chậm bổ sung sửa đổi nên khi triển khai thực hiện còn nhiều chồng chéo, vướng mắc. Do đó, các chính sách hầu như chưa hỗ trợ được cho HTX. Mặt khác, một số chính sách không có nguồn kinh phí riêng để thực hiện, chủ yếu là kinh phí lồng ghép vào các Chương trình, dự án nên chưa đáp ứng nhu cầu hỗ trợ của các HTX; chưa có chính sách riêng hỗ trợ cho các Hội quán. Các hoạt động hỗ trợ chủ yếu được lồng ghép trong thực hiện nhiệm vụ của sở, ngành và địa phương.
Nhằm hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, HTX sản xuất kinh doanh trong và sau mùa dịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu và xây dựng chính sách gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, phạt nợ quá hạn đối với các khoản vay đến hạn thanh toán, giảm chi phí giao dịch để tạo điều kiện doanh nghiệp tập trung vốn sản xuất; kích hoạt các gói tín dụng trả chậm và tạo điều kiện để các HTX, THT, nông dân tiếp cận nguồn vốn này để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng kiến nghị Bộ NN&PTNN tăng cường hỗ trợ kết nối các đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp thu mua, phân phối nông sản lớn trong và ngoài nước, đặc biệt là các đơn vị thu mua lớn và có hệ thống phân phối bán lẻ như: Vincommerce, Bách Hóa Xanh... Đối với ngành hàng lúa gạo, ngành nông nghiệp tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNN kiến nghị Chính phủ cho chủ trương các địa phương rà soát lại tình trạng các nhà máy để hướng dẫn các nhà máy thực hiện theo qui định để mở cửa lại sản xuất khi tình hình dịch bệnh kéo dài.
Nhằm giúp cho ngành nông nghiệp phục hồi sản xuất nhanh hơn sau đại dịch, ngành nông nghiệp Đồng Tháp cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT cần có giải pháp cụ thể để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... để tạo điều kiện cho HTX, THT,... tái sản xuất.
Mỹ Lý