Nông dân Tâm Quê Hội quán ủ phân hữu cơ bón, tưới cho cây

Cập nhật ngày: 09/04/2020 09:35:56

ĐTO - Trồng xoài không dùng thuốc hóa học mà sử dụng các nguyên liệu có sẵn như: trái cây chín, tỏi, ớt... ủ thay thuốc trừ sâu, phân bón tưới cho cây, năng suất, chất lượng cây ăn trái không hề giảm, mà chi phí giảm rất nhiều, đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường. Đó là cách làm của bà con nông dân Tâm Quê Hội quán.


Phân hữu cơ được ủ từ xoài, rượu được ông Những (bìa phải) chứa trong các thùng nhựa

Theo ông Đặng Văn Những - Chủ nhiệm Tâm Quê Hội quán, cách dùng trái cây chín kết hợp các nguyên liệu có sẵn để ủ tưới cho cây là do lãnh đạo xã phát động sau khi đi tham quan, học hỏi nhiều nơi.

Nhận thấy đây là chủ trương đúng và khá dễ làm nên bà con Hội quán đã tích cực hưởng ứng. Theo đó, cùng với sự hỗ trợ của các nhà khoa học và sự tìm hiểu trên mạng internet, các thành viên đã nghiên cứu các công thức ủ trái cây kết hợp các loại nguyên liệu có sẵn để phòng trị bệnh trên xoài. Tùy từng loại sâu bệnh mà có cách ủ phân tưới phù hợp. Chẳng hạn, đối với bệnh bọ trĩ trên cây, có thể dùng tỏi, ớt, gừng xay nhuyễn ngâm theo tỷ lệ 1kg nguyên liệu và 1 lít rượu ngâm trong vòng 20 ngày lượt lấy nước. Sau đó, pha 1 lít dung dịch này với 100 lít nước tưới sẽ trị được bệnh bọ trĩ trên cây rất hiệu quả.

Ngoài ra, đối với các loại sâu bệnh khác cũng có cách ủ phù hợp. Hiện Hội quán đã nghiên cứu ủ các loại phân hữu cơ có thể thay thế các loại phân tưới gốc và bón lá trên cây (phân đạm, kali). Qua sử dựng các loại phân này bón, tưới cho cây, chi phí sản xuất đã giảm thấy rõ, cụ thể tiết kiệm được hơn 50% chi phí sản xuất, giá xoài cao hơn thị trường khoảng 2.000 đồng/kg nhờ được doanh nghiệp bao tiêu.

Ông Đặng Phụng Đức ở ấp Tân Hậu, xã Tân Thuận Tây chia sẻ, ông có hơn 2 công xoài và 30 công ruộng, từ ngày nghiên cứu ra loại phân hữu cơ này, ông đều dùng nó để phun xịt cho xoài và lúa của gia đình. Theo ông, việc dùng loại phân hữu cơ này cái được lớn nhất là giảm chi phí sản xuất, không độc hại cho sức khỏe và bảo vệ môi trường sống.

Hiện đã có 24 hộ, với diện tích 18ha của Tâm Quê Hội quán đã áp dụng việc ủ phân hữu cơ để phun trên cây xoài của gia đình. Đặc biệt, từ hiệu quả của việc phòng trừ sâu bệnh trên cây xoài, lúa, ông Đặng Văn Những còn đang thử nghiệm phá 1.500m2 vườn xoài để trồng rau theo hướng hữu cơ. “Mục tiêu của tôi là xây dựng một điểm trồng rau sạch để trước tiên là dùng trong gia đình và cung cấp cho bà con trong xã, trong ấp mình. Tôi muốn làm điều này để truyền cảm hứng cho những bà con trong xã cũng như những địa phương khác cùng làm, cùng bảo vệ sức khỏe cho mình”, ông Những bộc bạch.

Hiện Hội quán chủ yếu truyền nhau công thức cho những nông dân có nhu cầu sử dụng trên cây trồng của gia đình. Bên cạnh đó, các ngành cấp tỉnh cũng đánh giá mô hình có hiệu quả và đã có buổi làm việc để tìm hiểu triển khai mô hình ra phạm vi toàn tỉnh. Tại buổi làm việc của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp và các sở, ngành với Tâm Quê Hội quán vừa qua, ông Lê Thành Công - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao hiệu quả của mô hình, đồng thời đề nghị các sở, ngành liên quan như: nông nghiệp, khoa học công nghệ, bảo vệ thực vật cùng vào cuộc thành lập tổ “Nghiên cứu hỗ trợ chế phẩm sinh học” để thí điểm mô hình trên các cây trồng khác nhằm đưa ra một quy trình hoàn chỉnh, khuyến khích nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn