Nông dân Tân Hồng chú trọng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP

Cập nhật ngày: 17/03/2024 03:55:12

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240317035605dt2-8.mp3

 

ĐTO - Thời gian qua, các cấp, ngành, xã, thị trấn của huyện Tân Hồng tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện. Trong đó, tập trung phát triển và xây dựng chuỗi ngành hàng chủ lực, có tiềm năng, thế mạnh như: lúa, gạo, cá tra, con bò. Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Hồng, diện tích xuống giống lúa năm 2023 được hơn 57.000ha (tăng gần 4.600ha so với cùng kỳ năm trước), trong đó diện tích sản xuất lúa gắn với liên kết tiêu thụ trên 20.800ha; diện tích lúa áp dụng phương pháp sản xuất giảm giá thành là 13.591ha (đạt 113% so với kế hoạch đề ra).


Đồng chí Nguyễn Minh Ngọc - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tân Hồng (bìa trái) và đồng chí Huỳnh Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng (bìa phải) khảo sát thực tế việc sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã An Phước

Điều đáng ghi nhận trong sản xuất nông nghiệp của huyện Tân Hồng là việc thực hiện mô hình cánh đồng trọng điểm. Theo đó, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, ngành chức năng huyện Tân Hồng đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với cánh đồng của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Phát (xã Tân Hộ Cơ) và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phước Lộc (xã An Phước) phục vụ sản xuất nông nghiệp cho khoảng 220ha với tổng kinh phí gần 7,9 tỷ đồng. Các công trình đã thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần tăng lợi nhuận cho người dân khi tham gia mô hình cánh đồng trọng điểm. Thêm vào đó, huyện Tân Hồng triển khai mô hình “Sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, ứng dụng cơ giới hóa trên cánh đồng trọng điểm” có quy mô 111ha với 43 hộ dân ở xã Tân Hộ Cơ và mô hình “Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP” quy mô 50ha với 19 hộ ở xã An Phước tham gia.

Theo đồng chí Phan Công Luận - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng, song song việc triển khai mô hình cánh đồng trọng điểm, nông dân huyện Tân Hồng đang quan tâm và tích cực tham gia mô hình “Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP”, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Khi tham gia mô hình “Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP”, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật canh tác: sử dụng giống lúa cấp xác nhận; bón phân theo quy trình cho lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; nguồn nước sử dụng trong quy trình canh tác lúa được đánh giá nguy cơ ô nhiễm; áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), Chương trình “3 giảm - 3 tăng”... góp phần hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Khi phun thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, người dân luôn trang bị quần áo bảo hộ bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Đồng thời ghi chép và lưu giữ đầy đủ nhật ký sản xuất, bảo vệ thực vật, phân bón, bán sản phẩm. Sau khi thực hiện đầy đủ các yêu cầu theo tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất lúa, đại diện vùng trồng đánh giá nội bộ quá trình sản xuất và hoàn tất các thủ tục gửi tổ chức chứng nhận VietGAP xem xét, kiểm tra cấp giấy chứng nhận nếu đạt yêu cầu theo các tiêu chuẩn quy định, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phước Lộc đã thực hiện mô hình với 33 thành viên tham gia và được cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm lúa với diện tích 123,8ha thuộc cánh đồng trọng điểm xã An Phước.

Hiện tại, mô hình “Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP” này có quy mô lớn nhất tỉnh. Nông dân tham gia mô hình áp dụng đúng quy trình sản xuất lúa tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao kỹ năng quản lý ruộng, nhận diện đúng các đối tượng dịch và đề ra biện pháp phòng trừ hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm hơn. Đặc biệt, người dân tham gia mô hình “Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP” tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phước Lộc nói riêng và huyện Tân Hồng nói chung không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam, cũng như thu gom bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng bỏ vào bể chứa, góp phần bảo vệ môi trường. Sau khi tham gia mô hình, hơn 120ha lúa chứng nhận VietGAP của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phước Lộc được Công ty Cổ phần nông nghiệp xanh Chơn Chín ký kết hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Phát huy những kết quả đạt được từ mô hình “Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP” trên địa bàn, ngành nông nghiệp huyện Tân Hồng tiếp tục triển khai thực hiện mô hình với diện tích hơn 110ha tại Hợp tác xã Hòa Phát thuộc Cánh đồng trọng điểm xã Tân Hộ Cơ trong vụ đông xuân năm 2023 - 2024. Qua đó, góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận và nhất là bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp tại vùng biên.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn