Nông dân tuyệt đối không sử dụng xi măng bón cho lúa và các loại cây trồng khác

Cập nhật ngày: 25/01/2016 06:45:19

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Lai Vung và Lấp Vò có các trường hợp nông dân sử dụng xi măng làm phân bón cho cây lúa, với lý do giúp lúa xanh tốt, cứng cây. Trước việc làm trên, Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Tháp khuyến cáo nông dân tuyệt đối không sử dụng xi măng bón cho lúa và bất cứ cây trồng nào khác.

Theo ngành chuyên môn, xi măng được tạo ra để sử dụng trong công nghiệp nếu đem dùng trong nông nghiệp là không đúng mục đích. Thành phần của xi măng là một hỗn hợp nghiền mịn của clinker, thạch cao, có thể có hay không có đá phụ gia. Clinker là sản phẩm nung thêu kết của đá vôi – đất sét. Với các thành phần trên, xi măng không có chất dinh dưỡng gì giúp cây trồng phát triển, tăng năng suất và chất lượng. Sở dĩ, nông dân bón cho lúa tạm thời thấy xanh tốt là do trong xi măng có canxi, phần nào có tác dụng khử chua, tuy nhiên đây là canxi khó tiêu, cây trồng không hấp thụ được. Khi bón xi măng vào đất lâu dần sẽ làm gắn kết các thành phần của đất lại với nhau, phá vỡ cấu trúc đất như: tính giữ nhiệt, giữ ẩm, giữ nước, giữ phân bón của đất. Nếu sử dụng với lượng nhiều, lâu ngày sẽ làm đất chai cứng, khó cải tạo, không thể trồng trọt nữa.

Chi cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo: Đối với vùng đất phèn cây trồng kém phát triển nên bón thêm vôi với liều lượng 200 – 300 kg/ ha để khử chua, hạn chế ngộ độc phèn, giúp cây trồng hấp thụ tốt dinh dưỡng, sinh trưởng và phát triển. Trong canh tác cây trồng nên thường xuyên quan tâm, theo dõi, tham dự các lớp tập huấn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhằm giảm chi phí sản xuất, đảm bảo năng suất, chất lượng, an toàn với sức khỏe, môi trường và sản xuất bền vững.

Thu Thảo

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn