Nông sản giảm giá hàng loạt khiến nông dân gặp khó khăn
Cập nhật ngày: 18/07/2021 06:23:15
ĐTO - Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đúng vào thời điểm nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang thu hoạch nông sản, nông dân gặp nhiều trở ngại, khó khăn chồng chất khó khăn khi thị trường xuất khẩu nông sản thu hẹp, thị trường tiêu thụ trong nước chật vật do chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy...
Lúa giảm gần 1.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng, nông dân giảm lợi nhuận đáng kể
Thực trạng này đang đặt ra phải tìm lời giải căn cơ, đồng bộ cho bài toán tiêu thụ nông sản cho người nông dân...
Lúa giảm 1.000 đồng/kg so với trước dịch
Lúa gạo được xem là mặt hàng “miễn nhiễm” trước 3 đợt dịch Covid-19. Vậy nhưng, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, giá lúa giảm mạnh khiến nông dân vô cùng lo lắng.
Đang thu hoạch 1,5ha lúa OM18, ông Đoàn Văn Bình ở xã Bình Phú, huyện Tân Hồng nói: “Hơn tháng trước cũng giống lúa này nhưng lái mua lúa hè thu sớm ở vùng Hưng Thạnh, Tháp Mười giá 6.700 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay lúa chỉ còn 5.700 - 5.900 đồng/kg, dù giá giảm nhưng nông dân chúng tôi vẫn phải bán vì không thể để lúa phơi chờ giá. Mức giá này nông dân phá huề, đến lỗ do vụ hè thu năng suất thấp, khoảng 5,5 – 6 tấn/ha, thêm vào đó giá phân bón tăng mạnh khiến nông dân không còn lãi”.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ hè thu năm 2021, toàn tỉnh xuống giống trên 187.200ha. Hiện các diện tích giai đoạn thu hoạch rộ tập trung tại các huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình với giá lúa chất lượng cao tại ruộng là 6.000 đồng/kg, lúa IR50404 giá 5.200 đồng/kg, giảm gần 1.000 đồng/kg so với hơn 1 tháng trước.
Theo các chuyên gia, có 2 nguyên nhân chính khiến giá lúa giảm, thứ nhất là mặt bằng thị trường gạo thế giới giảm, nhất là 2 quốc gia xuất khẩu gạo mạnh là Ấn Độ và Thái Lan. Thứ 2 là do một số doanh nghiệp trong nước nhập khẩu gạo cấp thấp của Ấn Độ ngay thời điểm đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch khiến lúa gạo trong nước giảm giá mạnh. Bên cạnh đó, việc thị trường TP Hồ Chí Minh dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh cũng khiến ảnh hưởng đến việc tiêu thụ lúa gạo của nông dân.
Cây ăn trái, rau màu giảm giá mạnh
Không chỉ riêng lúa, hiện nay nhiều loại nông sản khác trên địa bàn tỉnh cũng đang rớt giá trầm trọng khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Đối với các loại nông sản này, ngoài nguyên nhân thị trường xuất khẩu thu hẹp, việc các chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh – nơi tiêu thụ nông sản lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long ngừng hoạt động khiến nông sản ùn ứ. Bên cạnh đó, trở ngại trong khâu vận chuyển hàng hóa ra khỏi những vùng cách ly cũng khiến nông sản gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Hùng - nhà vườn trồng nhãn ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành đang rất lo lắng khi vườn nhãn diện tích 8 công của gia đình ông đến ngày thu hoạch bị thương lái bỏ cọc không mua, trong khi số lượng quá lớn không thể bán lẻ hết được, hiện ông như đang “ngồi trên đống lửa”. Ông Hùng than thở: “Hơn 1 tháng trước, lái đặt mua với giá 20.000 đồng/kg, vậy mà đến thời điểm này họ bỏ cọc không mua, giờ hơn 10 tấn nhãn Ido, tôi chưa biết phải tìm cách nào, số lượng quá lớn bán ra chợ không thể nào ra hết”.
Nhãn, xoài, chanh, ổi,... hiện đang cùng chung cảnh ngộ. Thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có hơn 35.000ha trồng cây ăn trái, trong đó, một số loại cây ăn trái có diện tích lớn đang vào vụ thu hoạch đều giảm giá từ 30-50% so với thời điểm cách nay hơn 1 tháng. Cụ thể, xoài cát Hòa Lộc giá chỉ còn 18.000 đồng/kg; nhãn 10.000 đồng/kg; cam soàn 12.000 đồng/kg; thanh long 7.000 đồng/kg; ổi 2.000 đồng/kg; chanh 1.000 đồng/kg... Việc nông sản đồng loạt giảm giá khiến nông dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Trước đó không lâu, người dân ở xã Phú Long, Tân Phú, Hòa Tân, huyện Châu Thành cũng điêu đứng vì giá khoai lang tím “tuột dốc không phanh”, chỉ khoảng 40 ngàn đồng/tạ (1 tạ khoai 60kg).
Thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương, hợp tác xã (HTX) hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản rất hiệu quả. Tuy nhiên, về lâu dài để nông sản tiêu thụ ổn định, người dân cần phải tổ chức lại sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng vùng trồng đạt tiêu chuẩn an toàn, xây dựng thương hiệu và nâng cao khả năng chế biến nông sản sau thu hoạch thì mới giải bài toán tiêu thụ nông sản bền vững.
Điển hình là tại HTX rau an toàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, dù trong điều kiện dịch bệnh nhưng nhờ thực hiện chuỗi liên kết nên việc tiêu thụ rau an toàn của HTX vào hệ thống siêu thị Coop Mart trên địa bàn tỉnh rất ổn định. Nếu được tổ chức lại một cách hoàn chỉnh như mô hình này, có thể nông sản sẽ giảm được tình trạng ùn ứ, nông dân giảm bớt khó khăn...
MN