Nuôi gà VietGAP mở ra hướng phát triển ổn định cho nông dân

Cập nhật ngày: 25/04/2019 09:35:29

ĐTO - Trên nền tảng mô hình nuôi gà truyền thống, hơn 3 năm trở lại đây, nông dân Tổ hợp tác (THT) sản xuất và tiêu thụ gà Sơn Hòa (xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh) đã chuyển hướng sang chăn nuôi gà theo mô hình VietGAP. Đây được xem là hướng phát triển mới cho nhiều hộ gia đình ở Mỹ Thọ, bởi mô hình này vừa đem lại thu nhập ổn định cho người chăn nuôi, vừa cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.


Nuôi gà theo hướng VietGAP ở Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ gà Sơn Hòa (xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh)

Là một trong những hộ tham gia chăn nuôi gà theo mô hình VietGAP hơn 3 năm nay, ông Nguyễn Văn Thiện - tổ viên của THT sản xuất và tiêu thụ gà Sơn Hòa cho biết: “Trước nay, nông dân ở đây chỉ nuôi gà theo phương thức truyền thống, hiệu quả kinh tế không cao, chủ yếu lấy công làm lời. Hơn 3 năm trước, khi địa phương giới thiệu triển khai mô hình nuôi gà VietGAP, thấy đây là mô hình phát triển ổn định nên tôi mạnh dạn đăng ký tham gia...”.

Với diện tích chuồng nuôi gần 100m2, ông Thiện thả nuôi 500 con gà giống nòi Bến Tre. Tham gia vào mô hình, ông Thiện phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn từ con giống, thức ăn, vệ sinh phòng dịch bệnh, xử lý chất thải, ghi chép sổ sách... Theo ông Thiện, do hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh, tỷ lệ hao hụt giảm nên chi phí chăn nuôi giảm đáng kể so với phương pháp nuôi truyền thống. Nếu tính bình quân mỗi vụ, ông thu về hơn 600kg gà (gà xuất bán từ 1,2 - 1,5kg/con), bán với giá 65.000 -70.000 đồng/kg. Tính chung mỗi vụ (1 năm 3 vụ) ông thu về hơn 40 triệu đồng.

Cũng là một trong những hộ tham gia mô hình nuôi gà VietGAP và có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm, ông Huỳnh Văn Nao - tổ viên của THT sản xuất và tiêu thụ gà Sơn Hòa cho biết: “Ưu điểm khi nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP là kiểm soát được dịch bệnh, tính toán được trọng lượng gà, đồng thời hạn chế được việc sử dụng kháng sinh, hạn chế hao hụt, đặc biệt gà đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên có lợi cho người tiêu dùng và người chăn nuôi”.

Theo ông Nao, hiện nay THT có 8 hộ tham gia, với số lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường gần 10.000 con/năm và đã nhận chứng nhận VietGAP vào tháng 9/2017. Tuy nhiên, điều mà ông Nao cũng như các tổ viên THT băn khoăn hiện nay là gà VietGAP vẫn chưa tìm được đầu mối liên kết ổn định, chủ yếu chỉ bán cho thương lái với giá bằng với gà thường. Ông Nao cho biết, so với cách nuôi thông thường, nuôi gà VietGAP phải trải qua các quy trình nghiêm ngặt, tốn nhiều công sức, chất lượng gà tuy đồng đều hơn nhưng giá vẫn bằng với gà thông thường nên nông dân chưa mấy mặn mà. “Nếu được hỗ trợ thêm ở khâu đầu ra sản phẩm, nhất định sẽ có nhiều hộ tham gia, bởi đây là hướng chăn nuôi hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay” - ông Nao nói.

Theo ông Ngô Thanh Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cao Lãnh, mô hình sản xuất theo hướng VietGAP như THT sản xuất và tiêu thụ gà Sơn Hòa, xã Mỹ Thọ là hướng đi mà ngành nông nghiệp huyện đang hướng tới. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là đầu ra sản phẩm VietGAP vẫn còn bấp bênh nên chưa khuyến khích được nhiều nông dân tham gia. Để củng cố mô hình, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục trao đổi, tiếp xúc với các doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm gà VietGAP. Đồng thời trên nền tảng mô hình này sẽ nhân rộng ra các địa phương khác trên địa bàn, mục tiêu nhằm định hướng người dân dần chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường...

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn