Phát triển nông nghiệp, nông thôn tiểu vùng Đồng Tháp Mười theo hướng bền vững

Cập nhật ngày: 27/11/2017 06:37:19

ĐTO - Ngày 25/11, tại TP.Tân An (tỉnh Long An) diễn ra “Hội nghị xúc tiến đầu tư, tiêu thụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tiểu vùng Đồng Tháp Mười theo hướng bền vững”.

Hội nghị do UBND tỉnh Long An phối hợp với tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Tiền Giang và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học và bà con nông dân thuộc 3 tỉnh.

Tại hội thảo, các đại biểu cùng nhau tìm hiểu tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn; định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn tiểu vùng Đồng Tháp Mười.

Theo đó, đại diện lãnh đạo của 3 tỉnh: Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang cùng các nhà khoa học đã trình bày thực trạng và định hướng tiêu thụ nông sản; những giải pháp thực hiện chính sách hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao và chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững ở tiểu vùng Đồng Tháp Mười.

Cụ thể, sẽ xây dựng Đồng Tháp Mười trở thành vùng sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, tạo đột phá cho sản xuất nông nghiệp thông qua phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Về phát triển du lịch sinh thái, đây là thế mạnh riêng có của vùng. Do đó, cần được nâng cao chất lượng và mở rộng, liên kết với TP.Hồ Chí Minh, TP.Cần Thơ và thu hút các nhà đầu tư lớn, tập đoàn có thương hiệu.

Theo Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân - Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long (Đại học Cần Thơ) phải thực hiện liên kết ở tiểu vùng Đồng Tháp Mười gồm: liên kết cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, trái cây và thủy sản; chương trình liên kết phát triển du lịch sinh thái; chương trình bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học; chương trình cấp nước sạch nông thôn và chương trình phát triển cơ sở hạ tầng (điện, thủy lợi, giao thông)... để tạo sự bền vững cho người nông dân trong vùng yên tâm sản xuất và phát triển du lịch sinh thái.

Do đó, phải giải quyết việc quản lý nguồn nước, dự trữ nước, bảo tồn sinh thái để phục vụ phát triển du lịch sinh thái. Tiểu vùng Đồng Tháp Mười cần phải đa dạng hóa sản phẩm nông sản, từng bước giảm diện tích lúa thu đông và duy trì diện tích lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.

Theo các đại biểu, định hướng phát triển nông nghiệp của tiểu vùng Đồng Tháp Mười phải hướng tới công nghiệp - dịch vụ nông nghiệp, tạo ra sản phẩm chế biến cho đa dạng phân khúc thị trường nhằm tăng thêm giá trị hơn là chỉ chú trọng vào khâu sản xuất. Các tỉnh trong vùng phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật thông minh vào sản xuất nông nghiệp để giảm giá thành và quản lý hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc liên kết phát triển vùng phải theo định hướng thị trường; phát triển liên kết dựa trên nền tảng ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp; liên kết trong việc quản lý hiệu quả và sử dụng nguồn tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu... cũng là những ý kiến của đại biểu đưa ra tại hội nghị.

Hoài Minh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn