Phát triển nông nghiệp vùng biên giới

Cập nhật ngày: 01/06/2016 13:16:39

ĐTO - Ngoài cây lúa thì cây ăn trái, hoa màu, sản phẩm nuôi trồng thủy sản là những mặt hàng thế mạnh của các địa phương biên giới, như: huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, TX.Hồng Ngự. Để đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, các địa phương đã gắn các sản phẩm thế mạnh vào kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.


Các địa phương tiến tới việc sản xuất lúa gắn với tiêu thụ

Ông Nguyễn Trạng Sư - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự, chia sẻ: “Sở hữu 70% cá tra bột phục vụ cho các vùng nuôi trong và ngoài tỉnh, có vựa rau lớn nhất nhì tỉnh, cùng với hệ thống diện tích lúa canh tác tập trung, huyện Hồng Ngự đang xây dựng và khai thác những sản phẩm lợi thế theo chiều sâu. Hướng đi này nhằm giúp nông nghiệp của địa phương phát triển, nâng cao thu nhập cho bà con”.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2015, diện tích gieo trồng trên địa bàn 3 huyện tuyến biên giới là 106.366ha, chủ yếu là các sản phẩm thế mạnh, như: lúa, hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái. Ngoài ra, tổng số đàn trâu bò các địa phương gần 3.000 con và trên 2 triệu con gia cầm. Thủy sản cũng là một trong những sản phẩm thế mạnh có giá trị kinh tế cao như cá tra, tôm càng xanh, có diện tích nuôi trên 754ha.

Ngoài nhữmg sản phẩm được định vị về giá trị kinh tế như cá tra, một số nông dân đã tìm hướng đi mới bằng việc nuôi những loại thủy sản ngoài tự nhiên. Sau thời gian tìm hiểu và nuôi thành công, đến nay anh Trương Văn Điền (xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự) được xem là “vua” cá lăng nha của miền Tây khi hàng năm anh cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh gần 1 tỷ con giống và cá thịt. Với mô hình nuôi cá lăng nha, mỗi năm, gia đình anh Điền thu nhập gần 1 tỷ đồng. Riêng TX.Hồng Ngự còn thành công với mô hình nuôi lươn sinh sản. Theo đánh giá của thị xã, mô hình đang phát triển rất mạnh, góp phần mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân.

Lĩnh vực phát triển nông thôn, thời gian qua cũng được tỉnh quan tâm đầu tư, đưa diện mạo, đời sống người dân địa phương phát triển. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp đối với các huyện biên giới giai đoạn 2011-2015 là 210 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2011-2015, có 4 xã của 3 huyện biên giới đạt chuẩn nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 29 triệu đồng. Ngoài ra, thông qua nguồn vốn từ Chương trình 135, có khoảng 850 hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn để mua bò, máy phun xịt phục vụ sản xuất. Đến cuối năm 2015, các huyện biên giới có 94,7% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh.

Để hướng người nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng mới, việc tổ chức sản xuất lại được các địa phương quan tâm thực hiện, trong đó đáng chú ý là giải pháp đẩy mạnh phát triển hợp tác xã (HTX). Tính đến 2015, trên địa bàn 3 huyện biên giới có 23 HTX nông nghiệp (giảm 12 HTX nông nghiệp), quy mô hoạt động HTX được mở rộng hơn với 11.500ha, thu hút nhiều xã viên tham gia.

Với tầm quan trọng của thành phần kinh tế hợp tác, huyện Hồng Ngự được xem là đơn vị tiên phong trong hợp nhất các HTX cùng chung lợi thế, hướng tới HTX đa dịch vụ, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong tình hình mới, mua chung bán chung nhằm giảm giá thành sản xuất và làm cầu nối trong sản xuất tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người nông dân.

Thời gian qua, huyện Hồng Ngự đã sáp nhập 4 HTX trong khu ô bao 2600ha của 2 xã Thường Phước và Thường Thới Tiền. Riêng trong năm 2015, huyện hợp nhất 11 HTX khu ô bao xã Long Thuận, Phú Thuận A, B. Theo ông Phạm Tấn Tho - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, giải pháp sáp nhập HTX sẽ tạo quy được nội lực để HTX hoạt động đạt hiệu quả cao hơn. Trong quá trình tỉnh thực hiện mô hình cánh đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, việc hợp nhất các HTX sẽ tạo điều kiện cho khâu liên kết được thuận lợi, hạn chế thu mua nông sản manh mún trên cùng một cánh đồng.

Qua những kết quả đạt được, giai đoạn 2016-2020, việc phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tuyến biên giới được định hướng gắn tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; sản xuất gắn với tiêu thụ. Theo đó, chỉ tiêu đề ra là giữ vững diện tích trồng lúa 112.000ha, với 80% sử dụng giống lúa chất lượng cao; diện tích nuôi thủy sản sẽ là 844ha, sản lượng 110.000 tấn. Riêng tổng đàn trâu bò đạt 19.000 con, gia cầm gần 2,5 triệu con. Ngoài ra, các địa phương sẽ đạt thêm 6 xã nông thôn mới đến năm 2020, nâng tổng số xã đạt của các huyện là 10 xã nông thôn mới.

Tại hội nghị sơ kết Đề án phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự 8 xã biên giới, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các huyện cần quan tâm xây dựng mô hình phát triển kinh tế tiềm năng gắn với tinh thần Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; hướng tới sản xuất gắn với thị trường để mang lại những giá trị mới, tạo sức bật cho kinh tế địa phương phát triển...

Tuấn Tường

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn