Phát triển sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Cập nhật ngày: 01/10/2024 05:34:33
ĐTO - Là tỉnh có bề dày sản xuất hoa kiểng, thời gian qua, phong trào sinh vật cảnh (SVC) tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phát triển, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người sản xuất và tạo thêm điểm nhấn độc đáo văn hóa quê hương Đất Sen hồng...
Nghề sinh vật cảnh tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, góp phần nâng cao thu nhập, đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân (Ảnh: Nhật Khánh)
Khai thác tiềm năng
Theo ông Nguyễn Mạnh Quỳnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội SVC Việt Nam, tiềm năng phát triển SVC của cả nước và nhiều vùng, địa phương là rất lớn với tài nguyên khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, đa dạng giống, loài hoa cảnh, cây cảnh, nguồn nhân lực dồi dào, nghệ nhân tài ba. Hiện cả nước có khoảng 50 nghìn hecta sản xuất hoa cảnh, cây cảnh. Đáng chú ý, nhu cầu sử dụng hoa, cây cảnh ngày càng tăng, bình quân là 15%/năm; doanh thu bình quân từ 350 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm. Giá trị sản lượng ước tính đạt trên 15.000 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị xuất khẩu đạt khoảng 80 triệu USD/năm. Kết quả này đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Theo Hội SVC tỉnh Đồng Tháp, với thế mạnh là tỉnh nông nghiệp, có truyền thống lâu đời với nghề trồng hoa kiểng, SVC, thời gian qua, các hoạt động SVC của tỉnh được ủng hộ, phát triển, góp phần rất lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế. Trong công tác xây dựng và phát triển tổ chức đã thành lập được Trung tâm dạy nghề SVC tỉnh; 9 huyện, thành phố có tổ chức Hội với 43 Chi hội trực thuộc, kết nạp được thêm 310 hội viên, nâng tổng số hội viên đến nay là trên 2.600 người. Đến nay, trong toàn tỉnh có 5 nghệ nhân cấp Quốc gia, 12 nghệ nhân cấp tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình sản xuất SCV vẫn còn theo truyền thống và tập quán cũ, nhỏ lẻ, phân tán, chưa có định hướng sản xuất hàng hóa lớn, chưa xác định được nhu cầu, sức cạnh tranh của thị trường SVC trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, chưa nhiều kinh nghiệm, kiến thức, khoa học kỹ thuật về giống, cây, con, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Phát triển Sinh vật cảnh theo chiều sâu
Theo ông Nguyễn Mạnh Quỳnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội SVC Việt Nam, để phát triển sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần tập hợp đông đảo hội viên, nghệ nhân, doanh nhân, người chung sở thích. Trong đó thu hút đầy đủ các lĩnh vực, nhóm ngành như: hoa cảnh, cây cảnh, đá cảnh, gỗ cảnh, vật nuôi cảnh, kiến trúc cảnh quan và dịch vụ phụ trợ SVC (phân bón, thuốc trừ sâu, chậu...). Đồng thời xây dựng đội ngũ nghệ nhân, doanh nhân SVC trở thành lực lượng nòng cốt, cơ sở nền tảng cho mọi hoạt động của Hội. Hỗ trợ các hội viên, thành viên trong hoạt động nghề nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức các dịch vụ... Việc đổi mới nhận thức về hiệu quả, giá trị, đóng góp của Hội SVC đối với xã hội là rất cần thiết, khi sản phẩm SVC đáp ứng nhu cầu về vật chất, tinh thần ngày càng lớn của đời sống xã hội. Để SVC trở thành ngành kinh tế cần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, dịch vụ SVC đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo ông Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả, hướng đến sự phát triển ngành hoa, cây cảnh Đồng Tháp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh thực hiện các giải pháp về cơ chế chính sách, quy hoạch gắn với đầu tư cần chú trọng việc phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất. Trong đó, liên doanh, liên kết giữa “các nhà” theo mô hình ký kết, hợp tác cùng đầu tư cùng hưởng lợi; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành trong quá trình sản xuất. Đẩy mạnh tổ chức và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong đó, phát triển các làng nghề truyền thống trồng hoa, cây cảnh như Làng hoa Sa Đéc. Hướng đến sự phát triển bền vững, các địa phương cần đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung, số lượng sản phẩm lớn, chất lượng đồng đều. Đồng thời tạo dựng mạng lưới hợp tác giữa các nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ và các tổ chức du lịch. Mặt khác xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục hướng dẫn thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới, tạo điều kiện thuận lợi để đổi mới tổ chức sản xuất; tăng cường gắn kết làng nghề hoa, cây cảnh với hoạt động du lịch...
Infographic về Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp lần thứ 18 năm 2024 - 2025
Với những thuận lợi và khó khăn trong phát triển SVC, trong thời gian tới, Hội SVC tỉnh định hướng tiếp tục củng cố, phát triển tổ chức Hội SVC trong toàn tỉnh; vận động tuyên truyền về tiềm năng của việc nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh SVC đến các tầng lớp nhân dân. Từng bước hình thành khu chuyên biệt để giới thiệu, bảo tồn về SVC vừa là nơi quảng bá, tiêu thụ, kết hợp với du lịch.
Hướng đến sự phát triển ngành kinh tế này, Hội SVC kiến nghị tỉnh cần xây dựng các chương trình, chính sách để SVC có nhiều điều kiện phát triển, tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân lực, nâng cấp và mở rộng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển SVC. Hỗ trợ đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất phù hợp với nhu cầu thực tế địa phương, thị trường tiêu thụ; phát triển các hình thức hợp tác liên kết đa dạng, phù hợp, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát và mở rộng quy hoạch vùng sản xuất hoa kiểng, SVC tập trung gắn với du lịch cộng đồng, trải nghiệm và du lịch nông nghiệp; tổ chức sản xuất theo hướng giá trị cao, đa dạng chủng loại theo thị hiếu người dùng. Hỗ trợ phát triển kinh doanh trên nền tảng số nhằm đa dạng hóa các kênh bán hàng, góp phần phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đối với hội quán, hợp tác xã, nông dân cần tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi các giống mới, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến của các nước vào thực tế. Đăc biệt là thay đổi suy nghĩ từ làm SVC để giải trí, trang trí sang mục đích phát triển kinh tế, góp phần vào công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tỉnh nhà...
Chung tay cùng sự phát triển ngành SVC và các ngành hàng chủ lực, tiềm năng khác của tỉnh, trong quý II/2024, Liên hiệp Hội phối hợp với Hội SVC tổ chức thành công Hội thảo tư vấn “Định hướng và giải pháp phát triển ngành hàng hoa kiểng tại tỉnh Đồng Tháp”. Qua đó, các đại biểu làm rõ tiềm năng, lợi thế cũng như chỉ ra những khó khăn, thách thức của ngành hàng hoa kiểng; đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao giá trị ngành hành hoa kiểng như tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng, chú trọng đào tạo nghề nông nghiệp cho người nông dân, phát triển Chương trình OCOP về SVC, tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá hình ảnh hoa kiểng Sa Đéc...
Vừa qua, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp Hội SVC Việt Nam, Liên hiệp Hội tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo phổ biến kiến thức phát triển hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Tại hội thảo, các diễn giả cùng chia sẻ quan điểm phát triển ngành hoa, cây cảnh Đồng Tháp trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh. Đồng thời phát triển ngành hoa, cây cảnh theo hướng thị trường gắn với phát triển du lịch, trải nghiệm; khuyến khích các hình thức liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ...
|
Y Du