Quyết tâm đưa Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu trong sản xuất nông nghiệp

Cập nhật ngày: 14/03/2024 20:06:47

ĐTO - Chiều ngày 14/3, đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh có buổi làm việc về tiến độ thực hiện xây dựng đề cương Đề án tổng thể xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.


Đồng chí Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Vũ Minh trình bày về công tác chuẩn bị soạn thảo đề cương Đề án tổng thể xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Theo đó, mục tiêu chung của đề án là phát triển nông nghiệp tỉnh theo hướng sinh thái, ứng dụng đồng bộ công nghệ số, khoa học, công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm cạnh tranh, đảm bảo an toàn thực phẩm gắn chế biến giá trị gia tăng, ít phát thải... Bên cạnh đó, đề án hướng đến xây dựng nông thôn hiện đại, xây dựng hình ảnh người nông dân văn minh, chăm chỉ, tự lực, hợp tác, nghĩa tình, năng động sáng tạo, chuyên nghiệp...

Đối với việc thực hiện Đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, Sở NN&PTNT thông tin, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu ít nhất là 50.000ha diện tích sản xuất lúa tham gia vùng chuyên canh lúa chất lượng cao của tỉnh. Đến năm 2030, Đồng Tháp phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn tỉnh là 161.000ha.


Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, Đề án tổng thể xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và Đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 là 2 đề án có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh trong phát triển nông nghiệp. Để thực hiện nhiệm vụ này, Đồng Tháp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên với những kết quả tỉnh đạt được trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP... sẽ là nền tảng vững chắc để Đồng Tháp triển khai có hiệu quả 2 đề án quan trọng này. Tuy nhiên, để triển khai 2 đề án này đạt hiệu quả, tạo được sự đột phá mới cho ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm hơn của các sở, ngành, địa phương...


Quang cảnh buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong đánh giá cao tinh thần chủ động của Sở NN&PTNT trong việc xây dựng đề cương Đề án tổng thể xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và công tác triển khai thực hiện Đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong cho rằng, Đề án tổng thể xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh có ý nghĩa quan trọng với Đồng Tháp. Tuy nhiên, để đề án tạo được sự chuyển biến tích cực cho nông nghiệp, nông thôn và người nông dân Đồng Tháp như kỳ vọng của tỉnh, ngay từ bây giờ, khâu xây dựng các chỉ tiêu, tiêu chí của đề án cần được thực hiện rõ ràng. Ngành nông nghiệp cần trao đổi cùng các ngành, tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học... để đề án có nhiều góc nhìn đa chiều, sát với định hướng phát triển của tỉnh. Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong lưu ý, việc xây dựng đề án này cần được xây dựng dựa trên những nền tảng Đồng Tháp đang có như: Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp...

Đối với việc thực hiện Đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong yêu cầu ngành nông nghiệp cần nghiên cứu lại các quy định, hướng dẫn và tiêu chí của Trung ương để có kế hoạch thực hiện phù hợp với địa phương. Để đề án phát triển bền vững, tạo được lan tỏa tích cực cho người nông dân, ngành nông nghiệp cần vận động các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào thực hiện đề án...

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn