Sức sống mới từ phong trào phụ nữ khởi nghiệp

Cập nhật ngày: 20/10/2017 10:28:41

ĐTO - Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Đồng Tháp chọn nội dung “Hỗ trợ phụ nữ (PN) phát triển kinh tế và khởi nghiệp” là một trong những khâu đột phá để tập trung thực hiện. Đến nay, phong trào PN khởi nghiệp bước đầu đạt được những kết quả phấn khởi.


Biểu dương các cá nhân phụ nữ tiêu biểu trong vượt khó, khởi nghiệp.  Ảnh: Ngân Nguyễn

Tích cực hỗ trợ PN khởi nghiệp

Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Hội LHPN tỉnh thống nhất thực hiện chỉ tiêu: phấn đấu đến năm 2021, toàn tỉnh hỗ trợ ít nhất 500 PN khởi nghiệp hoặc khởi sự kinh doanh và xác định “Hỗ trợ PN phát triển kinh tế và khởi nghiệp” là khâu đột phá trong công tác Hội.

Thực hiện mục tiêu, Hội LHPN tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về khởi nghiệp, lập nghiệp cho hội viên PN lồng ghép trong các hoạt động phong trào của Hội. Chú trọng khơi dậy tiềm năng sáng tạo, tinh thần tự lực, tự tin, tạo điều kiện cho PN sản xuất kinh doanh tăng thu nhập, thực hiện ý tưởng khởi nghiệp để vươn lên làm giàu. Các cấp Hội LHPN tích cực phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các hoạt động hướng dẫn khởi nghiệp, cách thức tiếp cận, sử dụng nguồn vốn vay, hỗ trợ các PN khởi nghiệp kết nối với các doanh nghiệp trên thị trường trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Chị Đoàn Ngọc Minh Thùy (phường An Thạnh, TX.Hồng Ngự) cho biết: “Khi biết tôi khởi nghiệp từ các sản phẩm tinh dầu, Hội LHPN tỉnh và thị xã nhiều lần hỗ trợ, tạo điều kiện giúp tôi kết nối với các chương trình khởi nghiệp, tham gia các gian hàng, phiên chợ xanh để trưng bày, giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhằm tìm đối tác đầu ra, mở rộng thị trường tiêu thụ”.

Ngoài vận động hội viên PN tham gia các mô hình kinh tế hợp tác ở địa phương, Hội LHPN các cấp tổ chức nhiều lớp tập huấn cho PN về khởi nghiệp; rà soát địa bàn, phát hiện, giúp đỡ, tư vấn PN hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, kết nối với các đơn vị tư vấn pháp lý và thủ tục kinh doanh. Trong công tác tư vấn, cán bộ Hội khuyến khích hội viên PN chọn các sản phẩm là thế mạnh địa phương để khởi nghiệp nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương và tạo thuận lợi trong việc tìm thị trường đầu ra.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (xã Tân Phú, huyện Thanh Bình) phấn khởi nói: “Nhà tôi làm mắm đã 3 đời, nhưng chỉ sản xuất nhỏ để bày bán ngoài chợ nên giá cả và lượng tiêu thụ không nhiều. Đầu năm 2017, sau khi được Hội LHPN huyện và tỉnh tư vấn, hỗ trợ, tôi và gia đình mạnh dạn mua sắm trang thiết bị phục vụ chế biến sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu, đầu tư bao bì cho sản phẩm Mắm và Dưa mắm. Nhờ sự giúp đỡ thiết thực của Hội LHPN, sản phẩm của tôi được bày bán rộng rãi trên thị trường, số lượng tiêu thụ nhiều hơn, giúp thu nhập gia đình tôi khấm khá. Sắp tới, tôi dự định sẽ mở rộng cơ sở, tăng quy mô sản xuất để kinh tế gia đình phát triển hơn”.

Đa dạng những mô hình khởi nghiệp của PN

Nhận thấy nguồn nguyên liệu cá tra sẵn có tại địa phương và trên thị trường chưa có nhiều cơ sở sản xuất khô cá tra, chị Nguyễn Thị Thúy Lan ngụ ấp An Ninh, xã Định An, huyện Lấp Vò đã nảy ra ý tưởng sản xuất khô cá tra. Năm 2015, chị Lan nghiên cứu, chế biến sản phẩm khô cá tra với mong muốn mang đến cho khách hàng một sản phẩm mới lạ, độc đáo. Theo chị Lan, để có sản phẩm khô thơm ngon, phải chọn những con cá còn tươi, cá sau khi được làm sạch, thái bỏ hết phần xương và da, phần thịt cá còn lại được ướp thêm gia vị: tiêu, ớt, muối... rồi mang đi phơi đúng 1 nắng để đảm bảo khô mềm ngon, không bị cứng.


Đa dạng mô hình, sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ. Ảnh: K.N

Với kiến thức, kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn và được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ tập huấn kiến thức kinh doanh, hiện nay sản phẩm khô cá tra 1 nắng của “Cơ sở Ngọc Diệp” do chị Lan làm chủ đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Năm 2016, chị Lan mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư bao bì, đóng gói, hút chân không... đảm bảo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm. Chị cho biết: “Nhờ được Hội LHPN tạo điều kiện về vốn, kiến thức kinh doanh khởi nghiệp, tôi mới có cơ hội phát triển ngành nghề, mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình, tổng doanh thu đạt trên 100 triệu đồng/năm, giúp bản thân tôi và nhiều chị em có việc làm ổn định. Tôi luôn tâm niệm, phải cố gắng để sản phẩm ngày càng ngon, sạch, được thị trường ưa chuộng và có thương hiệu riêng”.

Cũng với ý tưởng khởi nghiệp dựa vào những nguyên liệu sẵn có tại địa phương, chị Lê Thị Thảo Trang ở ấp Bình Chánh, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình đã nghiên cứu làm ra những sản phẩm làm đẹp cho chị em PN. Với tên gọi “Mộc Xinh” - làm đẹp từ thiên nhiên, mong muốn của Trang là cung cấp cho thị trường một loại mỹ phẩm thiên nhiên, sạch, an toàn và hiệu quả. Công dụng làm đẹp và dưỡng da, chống lão hóa. Để hoàn thiện ý tưởng này, Trang đã mày mò, nghiên cứu, bào chế thành công các sản phẩm như: tinh bột nghệ vàng, nghệ đen, đậu đỏ, đậu nành... Sản phẩm được khách hàng tại địa phương đón nhận. Năm 2017, sản phẩm của Trang được tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại của tỉnh, từ đó khách hàng ngày càng nhiều, sản phẩm làm ra tăng gấp 3 lần so với trước. Với công việc hiện tại, mỗi tháng Trang kiếm được gần 5 triệu đồng từ việc kinh doanh của mình.

Tốt nghiệp Đại học Đồng Tháp, nhưng với niềm đam mê và sức sáng tạo, Trần Thị Ngọc Nhi ngụ ấp Tịnh Mỹ, xã Tịnh Thới, TP.Cao Lãnh đã theo đuổi con đường lập nghiệp bằng đồ handmade. Từ nguồn nguyên liệu lục bình sẵn có tại địa phương, Nhi khéo léo đan thành những chiếc túi xách, nón xinh xắn và một số phụ kiện trang trí trong gia đình. Sản phẩm của Nhi hiện đã được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Nhi cho biết: “Sắp tới, tôi sẽ mở rộng cơ sở kinh doanh của gia đình, để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu lục bình của mình sẽ được phân phối rộng rãi và đến gần hơn với người tiêu dùng”.

Thúc đẩy phong trào PN khởi nghiệp

Từ sự phối hợp đồng bộ của Hội LHPN các cấp, đến nay, phong trào PN khởi nghiệp đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ. Đồng chí Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: “Chưa bao giờ vấn đề khởi nghiệp được chị em PN quan tâm, ủng hộ và tạo được sức “nóng” như hiện nay. Điều phấn khởi không chỉ thể hiện qua việc hàng trăm sản phẩm khởi nghiệp của PN được hình thành, đưa ra thị trường mà chính là sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của PN về khởi nghiệp. Phong trào khởi nghiệp giúp nhiều chị em PN vượt qua tâm lý tự ti, an phận, chủ động tìm hiểu và nâng cao kiến thức về kinh doanh, biết thích ứng với quy luật kinh tế thị trường, vươn lên phát triển kinh tế và làm giàu. Đặc biệt, việc thành lập Hội Nữ Doanh nghiệp Đồng Tháp vào tháng 3/2017 là một trong những yếu tố tích cực góp phần thúc đẩy phong trào PN khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ”.

Hiện tại, để hỗ trợ PN khởi nghiệp, Hội LHPN tỉnh vừa khai trương thành lập Phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của PN. Sắp tới, Hội LHPN tỉnh thành lập một trang web riêng để giới thiệu về phong trào PN khởi nghiệp và có kế hoạch xúc tiến việc thành lập Nhóm chuyên gia tư vấn khởi nghiệp cho hội viên PN trên toàn tỉnh. Song, để PN khởi nghiệp thành công, ngoài sự hỗ trợ thiết thực từ xã hội, yếu tố quyết định chính là mỗi PN cần vượt qua được rào cản trong suy nghĩ, tự tin, bản lĩnh, vượt lên chính mình để khởi nghiệp.

Thời gian tới Hội tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động, xây dựng mô hình mới để giúp đỡ PN khởi nghiệp; phấn đấu đến năm 2021 có ít nhất 75 cơ sở có mô hình kinh tế tập thể do Hội thành lập hoạt động hiệu quả, toàn tỉnh hỗ trợ ít nhất 500 PN khởi nghiệp hoặc khởi sự kinh doanh.

Theo số liệu Cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp tháng 4/2016, PN chiếm gần 50% dân số trong độ tuổi lao động. Việc thực hiện hiệu quả phong trào PN khởi nghiệp sẽ khai thác tối đa tiềm lực khởi nghiệp của PN, góp phần khẳng định vai trò tích cực của nữ giới trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

Tính đến tháng 10/2017, toàn tỉnh có 119 PN triển khai thực hiện hiệu quả các ý tưởng và sản phẩm khởi nghiệp, mở ra triển vọng trong phát triển kinh tế địa phương.

NGÂN NGUYỄN - K.N

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn