Nông dân xã Mỹ Tân

Tăng thu nhập từ những mô hình sản xuất nông nghiệp

Cập nhật ngày: 21/09/2017 07:52:27

Thời gian qua, xã Mỹ Tân, TP.Cao Lãnh chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, góp phần chung cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.


Mô hình trồng hoa lan cho thu nhập khá

Mỹ Tân là xã vùng ven ngoại ô của TP.Cao Lãnh, có diện tích canh tác nông nghiệp hơn 820ha, trong đó diện tích trồng lúa, hoa màu và cây lâu năm trên 800ha, diện tích còn lại được người dân nuôi trồng thủy sản, hoa kiểng, trồng sen.

Để từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả trên địa bàn. Xã đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đầu tư, hỗ trợ kinh phí, vật tư nông nghiệp cho các hộ dân, nhất là hộ nghèo để thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Ông Văn Phú Kinh ở ấp 2, xã Mỹ Tân (Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng và tiêu thụ hoa kiểng xã Mỹ Tân) là một trong những nông dân thành công trong thực hiện mô hình trồng hoa lan ở địa phương từ hơn 7 năm nay.

Hiện nay, ông Kinh có hơn 7.000m2 đất canh tác hoa kiểng, hàng năm thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, riêng năm 2016 ông trồng thêm một số cây giống mới có lợi nhuận cao hơn, kết quả cuối năm, sau khi trừ chi phí, ông đạt lợi nhuận trên 400 triệu đồng. Ông Kinh chia sẻ: “Tôi chuyển qua trồng lan chuyên nghiệp từ kinh nghiệm của bản thân cộng với hiểu biết, am hiểu kỹ thuật chăm sóc hoa lan. Thành công bước đầu nên tôi mới dám mạnh dạn mở rộng ra trồng nhiều hơn”.

Từ việc địa phương quan tâm tổ chức triển khai, khuyến khích các hộ nông dân tích cực thực hiện các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó có sản xuất rau an toàn, hàng năm, nông dân đã luân phiên xuống giống với tổng diện tích hàng chục ngàn mét vuông; xây dựng các mô hình kinh tế kết hợp trồng trọt và chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao kiến thức khoa học cho hàng ngàn lượt người dân; vận động người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi mô hình sản xuất hiệu quả. Từ đó hàng năm, xã có diện tích, năng suất và sản lượng cây trồng đều tăng, thu nhập của người dân nâng lên đáng kể.

Anh Phạm Minh Mẫn - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn ấp 1 có gần 6.000m2 chuyên sản xuất rau ăn lá, thu nhập hàng năm cả trăm triệu đồng. Đầu năm 2017, được sự hỗ trợ một phần kinh phí của Nhà nước, anh mạnh dạn đầu tư gần 1.000m2 trồng rau cải trong nhà lưới.

Nhờ tích cực vận động nông dân tham gia vào các tổ hợp tác, cùng giúp vốn và trao đổi kỹ thuật trong quá trình sản xuất, tăng năng suất, đạt lợi nhuận cao hơn. Từ đó, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,61% và hộ cận nghèo chiếm 4,09%.

Ông Phan Thanh Điền - Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân cho biết: “Những năm trước, kỹ năng canh tác của nông dân còn nhiều hạn chế dẫn đến năng suất cây trồng chưa cao, do đó địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi, ứng dựng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tham gia vào các tổ hợp tác, đổi mới tổ chức sản xuất nhằm từng bước xây dựng các mô hình liên kết, ổn định đầu ra, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân yên tâm sản xuất, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới”.

Ngọc Oai

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn