Tạo động lực cho hội viên, phụ nữ khởi nghiệp

Cập nhật ngày: 11/04/2024 05:53:24

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240411055423DT2-4.mp3

 

ĐTO - Hỗ trợ hội viên (HV), phụ nữ (PN) khởi sự kinh doanh phát triển kinh tế gia đình, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Lai Vung và các cơ sở Hội triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động HV, PN mạnh dạn tham gia khởi nghiệp từ các sản phẩm truyền thống ở địa phương. Đồng thời tiếp sức cho HV, PN về nguồn vốn, kiến thức, quảng bá sản phẩm, góp phần giúp HV, PN khởi nghiệp hiệu quả.


Được hỗ trợ vốn, chị Nguyễn Thị Út Tiền (ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung) phát triển nghề làm cốm gạo

Theo Hội LHPN huyện Lai Vung, để thu hút HV, PN tham gia khởi nghiệp, Hội LHPN huyện triển khai đến các cơ sở Hội đẩy mạnh thực hiện phong trào khởi nghiệp. Thông qua các hoạt động sinh hoạt chi, tổ, hội, nhóm Zalo, các cơ sở Hội tích cực tuyên truyền, vận động HV, PN đổi mới tư duy, cách làm mới trong lao động sản xuất, đặc biệt là mạnh dạn tham gia khởi nghiệp. Khuyến khích HV, PN hình thành các ý tưởng khởi nghiệp, chuẩn bị các điều kiện cần thiết tham gia khởi nghiệp. Giới thiệu cho HV, PN tham gia các diễn đàn khởi sự lập nghiệp, cuộc thi khởi nghiệp cấp huyện. Hàng năm, Hội LHPN huyện phối hợp với Huyện đoàn, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Tài chính và Kế hoạch huyện tổ chức Hội thi ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp cấp huyện. Riêng năm 2023, có 6 HV, PN có sản phẩm khởi nghiệp tham gia cuộc thi. Qua cuộc thi, 4 sản phẩm có tiềm năng được các cấp Hội xem xét, hỗ trợ phát triển sản phẩm.

Ngoài ra, đồng hành hỗ trợ HV, PN khởi nghiệp, các cấp Hội trong huyện thường xuyên đến thăm hỏi, động viên nắm tâm tư nguyện vọng chị em, kịp thời hỗ trợ khó khăn, vướng mắc để các chị tự tin khởi nghiệp. Hỗ trợ HV, PN thuận lợi trong quá trình khởi nghiệp, Hội LHPN huyện và các cơ sở Hội thường xuyên giúp HV, PN được tham gia các lớp tập huấn kiến thức khởi nghiệp; hỗ trợ vay vốn ưu đãi, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho HV, PN khởi nghiệp. Trong năm 2023, có 26 HV, PN khởi nghiệp được tham dự các buổi tập huấn kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm và chuyển đổi số trong kinh doanh; kỹ năng bán hàng trên TikTok; sử dụng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm... do tỉnh, huyện tổ chức. Cùng với đó, các cơ sở Hội xem xét, thẩm định tiềm năng các dự án, sản phẩm khởi nghiệp để hỗ trợ HV, PN tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ PN phát triển kinh tế (Hội LHPN tỉnh), Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển sản xuất. Trong thời gian qua, các cấp Hội đã giới thiệu 21 HV, PN khởi nghiệp tiếp cận vay các nguồn vốn ưu đãi với tổng số 937 triệu đồng. Trong đó, năm 2023, có 9 chị tiếp cận nguồn vốn với tổng số vốn 380 triệu đồng. Thông qua nguồn vốn vay ưu đãi giúp cho các HV, PN có điều kiện mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập.

Điển hình như trường hợp của chị Nguyễn Thị Út Tiền ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung được hỗ trợ vốn, thiết bị giúp chị khởi nghiệp thuận lợi. Theo chị Tiền, trước đây, vợ chồng chị sinh sống bằng nghề làm thuê nên thu nhập rất bấp bênh. Năm 2010, chị chuyển sang làm cốm gạo bán kiếm thu nhập cho gia đình. Ban đầu, do thiếu kinh phí đầu tư sản xuất nên chị làm cốm gạo chủ yếu bằng thủ công, sản phẩm làm ra chưa được nhiều.

Nhận thấy sản phẩm cốm gạo của chị Tiền có tiềm năng phát triển nên Hội LHPN xã Tân Hòa động viên chị đăng ký tham gia sản phẩm khởi nghiệp. Tham gia khởi nghiệp, chị Tiền được Hội LHPN xã giới thiệu vay vốn 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển nghề làm cốm; Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp hỗ trợ 75 triệu đồng mua máy đóng gói sản phẩm. Nhờ vậy, chị Tiền có vốn đầu tư mua máy trộn, máy cắt, máy đóng gói và nguyên liệu để làm cốm. Chị Nguyễn Thị Út Tiền, bộc bạch: “Được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội LHPN xã Tân Hòa, tôi có điều kiện đầu tư máy móc sản xuất nên việc làm cốm đỡ vất vả, số lượng cốm làm ra nhiều hơn. Hiện tại, tôi làm cốm theo đơn đặt hàng và bán cho người tiêu dùng trong và ngoài xã. Trung bình mỗi tháng, trừ chi phí nguyên vật liệu, tôi có lời hơn 6 triệu đồng, giúp tôi phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Sản phẩm cốm gạo của tôi được công nhận là Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2023. Để sản phẩm cốm gạo tiếp tục đứng vững trên thị trường, trong thời gian tới, tôi sẽ đầu tư đổi mới mẫu mã sản phẩm, thuê thêm nhân công làm để tăng số lượng cốm. Đồng thời nâng chất lượng sản phẩm và đăng ký tham gia sản phẩm OCOP”.

Với nhiều hoạt động tuyên truyền, tư vấn, định hướng của các cơ sở Hội trong huyện, nhiều HV, PN thực hiện có hiệu quả các dự án, mô hình khởi nghiệp, góp phần tạo điều kiện cho HV, PN phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, toàn huyện có 102 sản phẩm khởi nghiệp như: mứt atiso đỏ, cá thác lác muối sả, bột đậu dinh dưỡng, rượu quýt hồng, khô cá lóc, bánh in... Trong đó có sản phẩm “Hủ tiếu tươi Thanh Phong - xã Tân Phước” đạt OCOP 3 sao. Chị Nguyễn Thị Thùy Trang - Chủ tịch Hội LHPN huyện Lai Vung, cho biết: “Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện và các cơ sở Hội tiếp tục tuyên truyền, tư vấn khởi nghiệp; khuyến khích HV, PN vận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để khởi nghiệp. Đồng thời phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội huyện duy trì các hoạt động hỗ trợ PN khởi nghiệp như: tổ chức tập huấn kiến thức, hỗ trợ vay vốn, làm hồ sơ, thủ tục giúp các sản phẩm khởi nghiệp có đủ điều kiện về an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, kết nối với doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, nhằm giúp các HV, PN khởi nghiệp hiệu quả, phát triển kinh tế gia đình, góp phần lan tỏa phong trào PN khởi nghiệp trên địa bàn huyện”.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn