Tháo gỡ khó khăn ngành công nghiệp chế biến

Cập nhật ngày: 20/07/2012 20:52:45

Trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế cả nước, ngành công nghiệp chế biến tỉnh nhà đang trải qua giai đoạn nhiều khó khăn và thách thức.

Mức tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh 6 tháng đầu năm khá thấp so với cùng kỳ nhiều năm. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng ước đạt 6.633,77 tỷ đồng, tăng 7,66% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành hàng chủ yếu như thủy sản chế biến ước đạt 81.707 tấn, tăng 2,63% so với cùng kỳ. Trong 20 doanh nghiệp chế biến thủy sản, có 9 doanh nghiệp có năng lực sản xuất khá ổn định về tài chính, có vùng nuôi (hoặc vệ tinh), có thị trường tiêu thụ thì sản lượng sản phẩm đều tăng hơn so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp còn lại có sản lượng giảm hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, tài chính yếu, chủ yếu dựa vào vốn vay.


Khách chọn mua sản phẩm thủy sản đông lạnh ở Vinafood mart

Đối với ngành hàng thức ăn thủy sản, ước đạt 651.875 tấn, tăng 7,84% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm. Trong 24 doanh nghiệp chế biến thức ăn thủy sản, 7 doanh nghiệp có năng lực tài chính, có vùng nuôi (hoặc liên kết được với người nuôi), sản phẩm chất lượng uy tín sản lượng vẫn tăng so cùng kỳ từ 10% trở lên... Những doanh nghiệp có sản lượng giảm đa số là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít, năng lực canh tranh không cao.

Ngành hàng chế biến xay xát, lau bóng gạo ước đạt 1,17 triệu tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên trong quý 1, tình hình xuất khẩu gạo và giá gạo xuất khẩu không như nhận định của nhiều doanh nghiệp. Việc ký hợp đồng xuất khẩu gạo trở nên khó khăn hơn, lượng và giá đều giảm. Trong nước, giá gạo tháng 3 giảm nhiều so với đầu năm, tồn kho cao đã làm cho nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản. Bước sang quý II, tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp có khả quan hơn. Việc 5 doanh nghiệp được phân bổ chỉ tiêu mua 83.000 tấn gạo tạm trữ với lãi suất bằng 0% và thực hiện được một số hợp đồng xuất khẩu gạo đã phần nào giảm áp lực về vốn ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn.

Ngoài 3 sản phẩm chủ lực trên, một số sản phẩm khác có mức tăng thấp hoặc giảm hơn so với cùng kỳ như thuốc viên tăng 7,89%, bánh phồng tôm bằng 83,42%; quần áo may sẵn tăng 7,35%...Về tình hình khó khăn, nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến của tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính còn hạn chế. Đầu năm đến nay, một số doanh nghiệp dư nợ tín dụng cao, không còn đủ năng lực để hấp thụ vốn. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh, xuất khẩu cá tra giờ đây bị đánh giá là ngành có tính rủi ro cao. Do đó, dù doanh nghiệp có dự án phát triển sản xuất và xuất khẩu tốt nhưng việc tiếp cận vốn cũng không mấy dễ dàng. Từ việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng còn hạn chế nên các doanh nghiệp có phần thu hẹp sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng.

Ngoài ra, mặc dù các doanh nghiệp đã cơ bản chủ động được vùng nuôi (theo báo cáo của Sở NN&PTNT khoảng 64%), nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn nguyên liệu do chưa xây dựng được vùng nuôi và chưa có sự liên kết trong sản xuất, tạo vệ tinh vùng nuôi. Vấn đề thiếu nguyên liệu chế biến đã khiến cho con đường sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thêm gập ghềnh. 6 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản (cá tra) chỉ tăng 8,76% so với cùng kỳ.

Song song đó, thị trường xuất khẩu vẫn còn bình lặng do tình hình suy thoái kinh tế chưa được hồi phục. Đặc biệt là thị trường Châu Âu, nên một số mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của tỉnh như thủy sản đông lạnh, bánh phồng tôm, sản phẩm may mặc... giảm sút. Từ đó, hàng hóa của các doanh nghiệp xuất khẩu giảm và sản xuất hàng hóa cũng phải giảm theo. Tuy nhiên, dù tình hình chung còn nhiều khó khăn, nhưng đầu năm đến nay ngành công nghiệp tỉnh nhà đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành công nghiệp chế biến, thị trường xuất khẩu truyền thống vẫn tiếp tục giữ vững và mở thêm thị trường mới góp phần tiêu thụ một lượng lớn gạo và thủy sản chế biến.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết ngành Công thương vừa qua, ông Nhị Văn Khải - PGĐ Sở Công Thương cho biết, để phấn đấu đạt kế hoạch đề ra, 6 tháng cuối năm, ngành Công thương sẽ tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy 8 dự án đang xây dựng sớm hoàn thành và đưa vào khai thác (3 dự án chế biến gạo, 2 dự án thức ăn thủy sản và thức ăn gia súc, dự án dầu cá, dự án dầu cám, dự án chế biến phụ phẩm). Phối hợp cùng các ngành, sở tham mưu tốt UBND tỉnh thực hiện tốt Nghị quyết 13 của Chính phủ, Quyết định 780 của Ngân hàng Nhà nước. Ngành Công thương sẽ tích cực tạo sự gặp gỡ, tiếp xúc giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhằm tìm giải pháp tháo gỡ từng hạng mục đầu tư, vốn lưu động... xem xét cụ thể từng hạng mục cần vốn để doanh nghiệp tiếp cận vốn với ngân hàng. Đề nghị UBND các huyện, thị, thành, ngành chức năng nắm rõ cơ sở sản xuất kinh doanh, trực tiếp tháo gỡ khó khăn hoặc trình UBND tỉnh giải quyết.

T.Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn