Tháp Mười phát triển sen gắn với nông nghiệp sinh thái

Cập nhật ngày: 13/08/2020 05:25:31

ĐTO - Xác định du lịch góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế và bảo tồn giá trị văn hóa, với lợi thế sẵn có, những năm gần đây, huyện Tháp Mười đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng mới, gắn với nông nghiệp sinh thái.


Khu du lịch Đồng sen Tháp Mười thu hút nhiều du khách đến tham quan

Cây sen là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực được huyện chọn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị, từng bước ổn định đầu ra cho nông sản. Thời gian qua, huyện phát triển nhiều sản phẩm chế biến từ cây sen như: sen sấy bơ, sữa sen, rượu sen, các loại trà từ sen, bông sen, nước uống đóng chai tinh chất sen, kéo sợi tơ sen...

Diện tích trồng sen luôn được huyện duy trì khoảng 300ha. Trong đó, diện tích canh tác sen tập trung nhiều nhất ở xã Tân Kiều, Mỹ Hòa với trên 60ha. Riêng Khu du lịch Đồng sen Tháp Mười có trên 40ha. Năm 2016, huyện đã xây dựng thành công nhãn hiệu “Sen Tháp Mười”,  năm 2019, có 6 sản phẩm OCOP từ sen được đánh giá 3 – 4 sao, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Hiện tại, Khu du lịch Đồng sen Tháp Mười là điểm đến được nhiều du khách yêu thích. Tại đây, địa phương chú trọng tuyên truyền các hộ dân phát triển cơ sở lưu trú gắn với sinh thái; ẩm thực từ sen. Bên cạnh đó, các điểm dừng chân, nhiều cửa hàng kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp cũng dần được hình thành dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho cộng đồng dân cư.

Mặc dù tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, đặc biệt từ cây sen của huyện còn rất lớn tuy nhiên vẫn chưa được khai thác hết. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc phát triển du lịch nông nghiệp và các sản phẩm từ sen hiện vẫn còn chưa vững chắc, nhiều nơi phát triển mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún; sản phẩm chưa chú trọng đến thương hiệu. Bên cạnh đó, nhiều mô hình du lịch nông nghiệp được khai thác trong nhiều năm nhưng chưa được đầu tư, làm mới, chủ yếu dựa vào di tích, môi trường sinh thái tự nhiên nên chưa đủ hấp dẫn du khách. Chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp – sản phẩm sen còn bỏ ngỏ, chưa có hướng liên kết, phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Minh Tâm – Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, để khắc phục những hạn chế, hướng đến phát triển du lịch nông nghiệp – sản phẩm sen trở thành kinh tế mũi nhọn của huyện, thời gian tới, địa phương tiếp tục quán triệt quan điểm phát triển du lịch huyện theo hướng “Sinh thái, cộng đồng và tâm linh” và phát huy tiềm năng và giá trị của cây sen. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của du lịch nông nghiệp đối với phát triển kinh tế. Mặt khác, phối hợp với các ngành tỉnh, tranh thủ các nguồn vốn triển khai, thực hiện đồ án quy hoạch và nâng cấp hạ tầng của Khu du lịch Đồng Sen và Khu Di tích văn hóa lịch sử Gò Tháp.

Bên cạnh các giải pháp của huyện, cần có những giải pháp đồng bộ của các ngành tỉnh trong việc có chính sách khuyến khích hơn nữa để kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp du lịch; có quy hoạch vùng nguyên liệu trồng sen để đảm bảo nguồn cung ứng cho các đơn vị chế biến. Ngoài ra, tỉnh cần thành lập Hội quán Du lịch tại Khu du lịch Đồng Sen để phát huy thế mạnh của mỗi cơ sở trong chuỗi cung ứng dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cho du khách. Song song đó, tập huấn cho đội ngũ nhân viên ở các cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng để nâng cao trình độ tay nghề, thái độ, cung cách phục vụ khách ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn...

Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, thời gian qua liên kết chuỗi giá trị ngành hàng sen tại Đồng Tháp được thực hiện nhưng chưa có sự chia sẻ về lợi ích, giá trị trong chuỗi ngành hàng. Chính vì vậy, để khai thác và phát triển du lịch liên kết chặt chẽ với những giá trị từ sen tương xứng với tiềm năng đồng thời hài hòa mối quan hệ giữa cơ quan quản lý, các đơn vị lữ hành và cộng đồng thì địa phương cần xây dựng những biện pháp nhằm dung hòa mối quan hệ lợi ích giữa các đối tượng tham gia.

Bà Ngô Thị Phương Lan cũng cho rằng, Nhà nước có vai trò rất quan trọng, chính vì vậy địa phương cần có những chính sách phát triển hợp lý để từ đó có sự hỗ trợ, ươm mầm đối với những cá nhân, doanh nghiệp tâm huyết với cây sen. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm một cách bài bản để người dân, du khách biết và muốn đến với địa phương.

Chia sẻ vấn đề này, ông Ngô Quang Tuyên – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thông tin, giai đoạn 2015 – 2020 và trong các giai đoạn tiếp theo, tỉnh tiếp tục lan tỏa thông điệp du lịch của địa phương là “Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen”. Chính vì vậy, cùng với những giải pháp phát triển sản phẩm sen, thời gian tới, tỉnh sẽ thúc đẩy phát triển chuỗi ngành hàng sen nhằm nâng cao giá trị cho người nông dân trồng sen... Đặc biệt, gắn du lịch sen với các di tích khảo cổ văn hóa, lịch sử để thu hút khách tham quan...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn