Tháp Mười tái cơ cấu ngành hàng sen theo hướng bền vững

Cập nhật ngày: 22/11/2018 16:30:34

ĐTO - Với tổng diện tích tự nhiên 52.800ha, trong đó diện tích trồng sen là 150-200ha/năm, Tháp Mười là một trong những địa phương có diện tích trồng sen lớn nhất tỉnh. Để phát triển ngành hàng sen theo hướng bền vững, huyện đang chú trọng khai thác thế mạnh cây sen theo hướng gắn phát triển kinh tế với du lịch.


Đồng sen Tháp Mười thu hút nhiều du khách đến tham quan và chụp ảnh

Theo ông Trần Văn Lập - Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, để thu hút ngày càng nhiều du khách đến địa phương, hiện huyện đã hình thành khu du lịch sinh thái Đồng Sen Tháp Mười với diện tích trồng sen gần 100ha. Các hộ dân liên kết làm du lịch cộng đồng với nhiều món ăn hấp dẫn được chế biến từ sen. Cụ thể, phục vụ ẩm thực tại chỗ cho khách tham quan các món ăn: cơm hạt sen, các món gỏi từ ngó sen, hạt sen rang muối ớt..., góp phần đa dạng hóa các hoạt động tại khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Gò Tháp.

Hiện các sản phẩm được chế biến từ cây sen ngày càng đa dạng và được thị trường ưa chuộng như: sữa hạt sen của cơ sở Diễm Thúy, cơ sở Sen Hồng. Các loại trà từ sen như: trà lá sen, trà tim sen, sen sấy của Công ty TNHH MTV Khánh Thu; rượu sen của Công ty cổ phần rượu Sen Hồng; rượu sen, hạt sen sấy khô, hạt sen rang bơ của Công ty cổ phần đầu tư thương mại du lịch Đồng Tháp Mười... Bên cạnh các sản phẩm thô như sen lụa, hạt sen khô, ngó sen, củ sen được người dân trồng sen đưa đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Với lợi thế về cây sen, huyện Tháp Mười đã quy hoạch vùng trồng sen 300ha tại hai xã Tân Kiều và Mỹ Hòa. Đến nay, cây sen đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu sen Tháp Mười năm 2016.

Để đưa nhãn hiệu sen Tháp Mười ngày càng vươn xa, UBND huyện đưa ra một số giải pháp phát triển nhãn hiệu Sen. Cụ thể như, đôn đốc Công ty tư vấn hoàn thiện hệ thống văn bản để áp dụng, thực hiện cấp chứng nhận cho các công ty, doanh nghiệp đủ điểu kiện sử dụng nhãn hiệu sen.

Địa phương đăng ký bảo hộ một số sản phẩm mới từ sen để được cấp giấy nhãn hiệu chứng nhận “Sen Tháp Mười” như: bột sen, bột sữa sen, sữa sen, vải dệt từ tơ sen, quà lưu niệm từ sen...; thành lập tổ xúc tiến phát triển nhãn hiệu sen. Song song đó, huyện sẽ phát triển du lịch sinh thái làng sen kết hợp homestay và xây dựng làng nghề rút, dệt tơ sen, xúc tiến giới thiệu sản phẩm sen đưa ra thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và thị trường tiềm năng như: Hàn Quốc, Nhật Bản...; Ban hành quy trình sản xuất và cấp chứng nhận ViệtGAP cho cây sen ở Tháp Mười.

Đặc biệt, trong chuỗi liên kết ngành hàng sen, huyện sẽ tập trung kêu gọi doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu liên kết tiêu thụ ổn định với nông dân trong vùng quy hoạch 300 ha trồng sen.

Cũng theo ông Trần Văn Lập, để đẩy mạnh cho các hoạt động này, huyện sẽ tổ chức truyền thông qua các sự kiện, ngày lễ hội gắn với khu du lịch sinh thái Đồng Sen, in ấn logo vào tài liệu hội nghị. Các thông điệp sản phẩm từ sen được tuyên truyền theo nhiều phương thức khác nhau: hình ảnh logo trên trang điện tử của huyện, xây dựng pano logo sen đặt các vị trí vào trung tâm huyện như: đường quốc lộ N2, Đường Thét, Trường Xuân, giáp ranh với huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang).

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn