Tích cực triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất khẩu

Cập nhật ngày: 07/06/2024 10:57:13

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240607105828dt2-2.mp3

 

(Bà Võ Phương Thủy - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Tháp)

PV: Năm 2024, nhiệm vụ của ngành công thương khá nặng, góp phần quan trọng đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Xin bà cho biết, ngành đã triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào trong những tháng đầu năm?


Bà Võ Phương Thủy - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp

Bà Võ Phương Thủy: Năm 2024, mục tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh tăng 8,0%. Theo đó, các chỉ tiêu ngành công thương góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh năm 2024 là: tăng trưởng GRDP ngành công nghiệp đạt 9,98%; tăng trưởng GRDP ngành thương mại đạt 10,43% (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 15,71%, tương đương 145.100 tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu (không tính xăng dầu tạm nhập tái xuất) là 1.400 triệu USD. Ngay từ đầu năm, ngành công thương đã đề ra 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:

Quán triệt và thực hiện đồng bộ các giải pháp, phương châm của bộ, ngành Trung ương; tập trung thực hiện quyết liệt, triển khai hiệu quả các quy hoạch, đề án của ngành; thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ theo hướng hiện đại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), cơ sở đưa sản phẩm vào các kênh phân phối lớn, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử... Ngành cũng đề ra giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ DN mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu; tăng cường các giải pháp hội nhập quốc tế, hỗ trợ DN tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu...

PV: Kết quả nổi bật của ngành trong 5 tháng đầu năm 2024?

Bà Võ Phương Thủy: Các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất khẩu được các cấp, các ngành và địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Qua đó, hoạt động sản xuất công nghiệp khởi sắc ngay từ đầu năm và duy trì tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2024 ước tăng 9,12% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,81% so với cùng kỳ năm 2023.

Tăng trưởng một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: chế biến thủy sản tăng 2,86%, chế biến lương thực (xay xát gạo) tăng 34,64%, chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản tăng 6,7%, sản xuất bánh phồng tôm, miến, hủ tiếu, bánh tráng và các loại tương tự tăng 12,43%, giày da tăng 17,53%, sản xuất dược (sản xuất thuốc viên các loại) tăng 4,68%...). Riêng khai thác cát sỏi giảm 82,03%, thuốc lá điếu giảm 28,36%, may mặc giảm 11,62%.

Hoạt động thương mại - dịch vụ diễn ra khá sôi động. Với nhiều chương trình kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm được tổ chức đã thúc đẩy phân phối hàng hóa của tỉnh vào hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh như: Tuần hàng sen Đồng Tháp tại Siêu thị Go!, Hội chợ Công thương vùng đồng bằng sông Cửu Long - Đồng Tháp năm 2024; Phiên chợ đưa “Hàng Việt về khu công nghiệp”... Các DN phân phối hàng hóa đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, trong tháng 5/2024 diễn ra Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II với nhiều hoạt động vui chơi, mua bán, trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 57.517 tỷ đồng, tăng 10,14% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, ngành tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ DN khai thác thế mạnh trong ưu đãi các Hiệp định thương mại thông qua công tác thông tin, tuyên truyền, hội nghị phổ biến và thông tin mời DN tham gia các diễn đàn xuất khẩu, triển lãm kết nối, hay các hội nghị, hội thảo do bộ, ngành Trung ương và địa phương tổ chức... cùng với sự chủ động trong tìm kiếm đối tác, khai thác thị trường xuất khẩu của DN. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (không tính tái xuất xăng dầu) 5 tháng ước đạt 696,25 triệu USD, tăng 47,45% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 49,73% kế hoạch (kế hoạch 1.400 triệu USD).

PV: Để các lĩnh vực của ngành đạt kết quả cao nhất có thể, từ đây đến cuối năm, Sở Công thương tập trung vào các công việc gì, nhất là các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN?

Bà Võ Phương Thủy: Trong bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu có nhiều biến động khó lường; kinh tế trong nước đang có những tín hiệu phục hồi tích cực và Chính phủ cũng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của DN, ngành công thương tiếp tục quán triệt phương châm chỉ đạo, điều hành đã được xác định từ đầu năm; tổ chức thực hiện tốt các giải pháp theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND tỉnh, nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, phấn đấu đến cuối năm đạt được kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Cụ thể:

Sở khẩn trương triển khai “Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến sâu kết hợp phát triển ngành công nghiệp chủ lực tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhằm giữ vững các ngành công nghiệp có lợi thế, phát triển công nghiệp công nghệ cao, nâng cao chuỗi giá trị; tiếp tục xác định công nghiệp là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế; tập trung khai thác những lợi thế phát triển công nghiệp, phấn đấu tăng tỷ trọng ngành công nghiệp năm 2024 đạt ít nhất 17,58% và tốc độ tăng trưởng ngành 9,98% (giá so sánh năm 2010).

Chúng tôi đôn đốc đơn vị đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sớm đưa vào khai thác Khu công nghiệp (KCN) Tân Kiều, Cụm công nghiệp (CCN) Quảng Khánh (giai đoạn 1); tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm triển khai các dự án đầu tư hạ tầng CCN tiểu thủ công nghiệp và CCN Định An...; chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để nhà đầu tư triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động đảm bảo tiến độ; quan tâm giải quyết các dự án đã giao đất trong khu, CCN nhưng chậm triển khai để duy trì, phát triển tỷ lệ lắp đầy KCN năm 2024 đạt ít nhất là 75%, CCN đạt ít nhất 80%.

Tập trung các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN; phát huy hiệu quả không gian kết nối, tổ chức tiếp xúc với DN và Hiệp hội ngành hàng; tổ chức thăm và làm việc với DN sản xuất trên địa bàn tỉnh; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm công nghiệp để sớm đi vào vận hành, tạo năng lực sản xuất mới.

Thực thi các giải pháp cơ chế, chính sách hỗ trợ DN tiếp cận các chương trình, đề án khuyến công, ưu tiên tạo điều kiện cho các đề án đầu tư vào hỗ trợ chế biến, xuất khẩu các ngành hàng chủ lực, các ngành chế biến sâu, chế biến sản phẩm giá trị cao.

Triển khai các giải pháp củng cố hệ thống bán lẻ, đồng thời phát huy vai trò thương mại điện tử phát triển thương mại - dịch vụ... Toàn tỉnh phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 đạt 145.990 tỷ đồng, tăng 15,71% so với năm 2023.

Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 1.400 triệu USD, tăng 11,98% so với ước thực hiện năm 2023...


Khách tham quan, mua sắm tại Hội chợ Công thương vùng đồng bằng sông Cửu Long - Đồng Tháp 2024 (Ảnh: Mỹ Nhân)

PV: Các ngành, lĩnh vực của tỉnh được dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian tới?

Bà Võ Phương Thủy: Các DN trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy nội lực, tận dụng cơ hội từ thị trường để phát triển sản xuất và xuất khẩu. Trong điều kiện 2 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn chưa gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng kể từ giữa năm ngoái, còn Thái Lan, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ 2 cũng có động thái cắt giảm lượng gạo xuất khẩu nhằm để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, xuất khẩu gạo của tỉnh được dự báo tiếp tục sẽ duy trì đà tăng trưởng và sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 đề ra.

Riêng đối với ngành hàng cá tra, thị trường xuất khẩu tuy phục hồi nhưng chưa vững chắc, chưa có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, dư địa xuất khẩu của tỉnh vẫn còn với nguồn nguyên liệu và nội lực của DN, ngành vẫn kỳ vọng vào sự phát triển ngành hàng này trong những tháng cuối năm.

Song song đó, đối với các nhóm ngành chế biến sau gạo (bánh phồng tôm, bánh phở, hủ tiếu...), hay may mặc, giày da... với thị trường sẵn có thì DN có thể vẫn phát huy ổn định sản xuất và xuất khẩu.

PV: Xin bà chia sẻ thêm đối với các địa phương và cộng đồng DN?

Bà Võ Phương Thủy: Thời gian qua, công tác phối hợp giữa Sở Công thương và các địa phương khá chặt chẽ; DN trên địa bàn luôn chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Sở Công thương tiếp tục phối hợp cùng địa phương bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của ngành để cùng nhau triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2024 đã đề ra. Trọng tâm là hỗ trợ tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giải pháp của Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN, chủ động, tích cực tháo gỡ theo thẩm quyền hoặc kịp thời tham mưu đối với cấp có thẩm quyền giải quyết.

DN là chủ thể quan trọng để đạt được các mục tiêu tăng trưởng đối với chỉ tiêu của ngành. Ngành công thương sẽ tích cực, chủ động đồng hành, hỗ trợ DN. Tuy nhiên, DN cũng cần chủ động nắm bắt các thông tin thị trường, những chính sách, rào cản thương mại để chủ động trong xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh; quan tâm đầu tư về công nghệ sản xuất, trang thiết bị, máy móc, đầu tư nghiên cứu mẫu mã để đáp ứng yêu cầu thị trường; đẩy mạnh liên kết giữa DN với hộ sản xuất, DN cung ứng đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất...

PV: Xin cảm ơn bà!

Thành Nam (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn