Triển khai nhiều giải pháp khoa học công nghệ trong sản xuất

Cập nhật ngày: 21/11/2019 05:38:42

ĐTO - Xác định khoa học công nghệ là giải pháp tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp khoa học công nghệ trong sản xuất, góp phần giảm giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập cho bà con nông dân.


Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan (thứ 3 từ phải sang) cùng đoàn công tác tham quan mô hình canh tác lúa lý tưởng tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2

Trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, tỉnh đã tập trung nghiên cứu và khuyến khích nông dân thay đổi tập quán canh tác, sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Đối với ngành hàng lúa gạo, hiện tại nhiều bà con nông dân áp dụng các giống lúa chất lượng cao vào canh tác với khoảng 70% diện tích canh tác.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp như Công ty Lương thực Tân Hồng (thuộc Tập đoàn Lộc Trời) kết hợp với nông dân triển khai ứng dụng sản xuất giống lúa mới “Hạt ngọc trời - Thiên Long” nằm trong top 3 gạo ngon nhất thế giới. Khi sản phẩm gạo Ngọc đỏ Hương dứa được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt, Hợp tác xã (HTX) giống nông nghiệp Định An đẩy mạnh sản xuất và nhân rộng giống lúa giàu dinh dưỡng cho hiệu quả kinh tế cao này.

Đối với sản xuất giống các tra, tỉnh triển khai sâu rộng chương trình sản xuất giống cá tra 3 cấp. Trong đó, sử dụng cá tra bố mẹ được cải thiện về di truyền tăng trưởng nhanh và chất lượng thịt tốt. Năm 2019, tỉnh cung cấp số lượng khoảng 700 triệu con cá tra giống cho hộ nuôi. Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống cá tra tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy mô công nghiệp, đảm bảo điều kiện sản xuất giống và kiểm soát được chất lượng con giống.

Ngành hàng hoa kiểng của tỉnh phát triển mạnh khi người dân trồng hoa Sa Đéc đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống hoa cấy mô nhằm giảm chi phí, chất lượng hoa được cải thiện đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Hàng năm, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học Lan Anh và Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghiệp cao cung cấp khoảng 700.000 giống hoa cấy mô với hơn 16 chủng loại góp phần thúc đẩy phát triển ngành hàng hoa kiểng và du lịch địa phương.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các tiêu chuẩn GAP và tương đương trong sản xuất nông nghiệp được tỉnh triển khai một cách hiệu quả. Đối với cây trồng, tỉnh đã triển khai thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP với gần 1.000ha và sản xuất theo hướng GlobalGAP là 53ha. Đặc biệt đối với ngành hàng cá tra, toàn tỉnh có trên 800ha thả nuôi đạt các tiêu chuẩn ASC, GlobalGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP và BAP...

Hiện nay, tỉnh còn đang thực hiện cấp mã số nhận diện vùng trồng, vùng nuôi thủy sản, thí điểm sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng các thiết bị cảm biến trong sản xuất lúa lý tưởng tại HTX Mỹ Đông 2 (Tháp Mười), công nghệ Blockchanin truy suất nguồn gốc xoài tại HTX xoài Mỹ Xương; sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để dự báo tình hình sâu bệnh trong chăn nuôi và trồng trọt nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp....


Mô hình canh tác lúa lý tưởng tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2. 
Ảnh: M.NHÂN

Hướng đến nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, nhiều mô hình giảm giá thành, nâng cao chất lượng lúa gạo được đẩy mạnh thực hiện, nhân rộng như mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ, với quy mô 300ha tại HTX Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười), HTX Phú Thọ và HTX Tân Cường (huyện Tam Nông). Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả tích cực cho người sản xuất khi công ty mua lúa cho nông dân cao hơn giá thị trường 200 đồng/kg. Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật giảm giá thành sản xuất, áp dụng cơ giới hóa đối với sản xuất lúa, góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận từ 1 đến 6 triệu đồng/ha so với quy trình sản xuất cũ.

Thời gian qua, các mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” thuộc dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT tác động tích cực vào sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà, giúp nông dân trong vùng dự án thay đổi nhận thức, sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững. Qua đó, góp phần tăng lợi nhuận cho nông dân trung bình khoảng 3,1 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất theo tập quán cũ.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn