Trồng mít Thái - Phải phát triển căn cơ thay vì ồ ạt

Cập nhật ngày: 01/04/2019 12:43:40

ĐTO - Thời gian gần đây, đi đến đâu cũng nghe nông dân bàn mít có giá rồi rủ nhau lên vườn trồng mít Thái. Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, hiện diện tích trồng mít toàn tỉnh khoảng trên 521ha, tuy nhiên nhiều khả năng số liệu thực tế còn cao. Bởi không riêng các huyện, thị có lợi thế phát triển cây ăn trái chuyển sang trồng mít mà ngay cả những khu vực nội đồng và vùng thượng nguồn như huyện Tháp Mười, Tam Nông, Tân Hồng, nông dân chuyển từ diện tích lúa sang trồng mít khá nhiều.


Nhiều diện tích đất lúa ở huyện Tháp Mười được nông dân lên liếp trồng mít

Ba cây mít bằng một công lúa

Đang gấp rút lắp ráp hệ thống phun tưới tự động để kịp “giải khát” cho vườn mít gần 1ha ở khu vực xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, anh Bùi Thanh Phong chia sẻ: “Phải tranh thủ hoàn thiện hệ thống tưới để cây mít mau bén rễ, bây giờ tranh thủ trồng mít hi vọng là mít đang có giá chứ làm chậm quá chỉ sợ thị trường sau này không còn tốt như bây giờ”.

Cây mít không phải là loại cây trồng xa lạ với nông dân Đồng Tháp, cách đây nhiều năm, một số địa phương như huyện Châu Thành, Lai Vung nông dân đã chuyển đổi canh tác mít khá nhiều. 2 năm trở lại đây, do giá mít sốt cao, có những thời điểm lên đến 60 - 70 ngàn đồng/kg nên nhiều nông dân đã chuyển đổi từ diện tích lúa, cây trồng kém hiệu quả sang trồng mít.

Ông Nguyễn Văn Công - một nông dân xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười chia sẻ: “Mấy năm nay trồng lúa khó khăn quá, thời tiết không thuận lợi, giá lúa thì bấp bênh, vụ đông xuân vừa rồi mấy công lúa của tôi làm chỉ đủ trả tiền vật tư nông nghiệp. May thay, gia đình có 2 công đất gò cao trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển sang trồng mít gần 3 năm nay, nhờ mít có giá nên kinh tế cũng bớt chật vật. Nếu so hiệu quả kinh tế thì trồng 3 cây mít bây giờ thu nhập đã bằng 1 công lúa”.

Hiện nay, giá mít giảm nhiều so với giai đoạn sốt giá thời điểm trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, giá mít Thái loại I được thương lái thu mua tại vườn hiện nay là 39 ngàn đồng/kg, giảm hơn 30 ngàn đồng/kg. Song nhiều nhà vườn khẳng định, với mức giá này thì thu nhập từ 1 công mít vẫn tốt hơn rất nhiều so với trồng lúa. Thậm chí, nhiều bà con còn cho rằng, nếu giá mít giảm còn 10 ngàn/kg thì canh tác mít vẫn “khỏe” hơn trồng lúa.

Anh Nguyễn Văn Chức - nông dân ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười cho biết: “Thời điểm này, cây mít Thái là cây trồng siêu lợi nhuận. So với những cây ăn trái khác thì mít Thái có thể trồng dày, trung bình trồng 1.000 gốc/ha, so với mít nghệ chỉ trồng 150 gốc/ha. Năng suất mít Thái khoảng 60 tấn/ha/năm. Nếu chỉ bán với giá thấp nhất là 10.000 đồng, cũng có thể bỏ túi hơn 600 triệu đồng/năm”.


Cần có hướng phát triển căn cơ hơn cho cây mít

Phát triển căn cơ thay vì trồng theo phong trào

Hiện nay thị trường mít đang nóng lên từng ngày, không chỉ đội ngũ thương lái “dập dìu” tìm đến tận các vườn để thu mua mít mà các vựa mít cũng đã xuất hiện nhiều. Vựa mít của bà Nguyễn Thị Thùy Linh hoạt động ở địa bàn xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười chưa đầy 1 tháng, nhưng đội ngũ xe gánh thu mua mít cho vựa khá xôm. Trung bình mỗi ngày, vựa mít thu mua khoảng 2 - 3 tấn mít các loại cho nông dân huyện Tháp Mười.

Bà Nguyễn Thị Thùy Linh cho biết, sản lượng mít năm nay tăng khá nhiều so với những năm trước. Hiện nay, không những nông dân Đồng Tháp mở rộng diện tích trồng mít mà nhiều tỉnh, thành ở khu vực miền Tây đều mở rộng diện tích trồng mít. Hiện phần lớn mít loại I đều được xuất tươi qua Trung Quốc, còn mít loại II và các loại mít khác thì được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường TP.HCM”.

Thông tin về thị trường mít hiện nay, ông Hà Bửu Khánh - Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Đồng Tháp cho biết, phần lớn sản lượng mít Thái hiện nay được xuất tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, về lâu dài con đường xuất khẩu này không ổn định, bởi hiện nay Trung Quốc đang xiết chặt quản lý việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Do đó, nông dân cũng đừng vội phá những loại cây trồng đang có hiệu quả kinh tế để chuyển sang trồng mít. Đối với những diện tích nông dân đã chuyển đổi, chúng tôi cũng khuyến cáo nông dân cần sản xuất sạch, tiến đến có truy xuất nguồn gốc. Trong tương lai, dù là nông sản tươi hay chế biến thì thị trường nhiều nước cũng yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Đây là hướng mở cho nông sản nói chung và sản phẩm mít nói riêng.

Là một doanh nghiệp (DN) có uy tín và kinh nghiệm trong việc mang một số sản phẩm nông sản chế biến “MADE ĐỒNG THÁP” chinh phục nhiều thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc..., anh Huỳnh Văn Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp thông tin, so với những mặt hàng trái cây khác thì mít có nhiều ưu thế, hiện nay mặt hàng mít sấy của đơn vị đang được nhiều đối tác lựa chọn, thị trường cũng đang rộng mở ở nhiều nước cho mặt hàng này. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển diện tích mít tự phát của nông dân như hiện nay thì sẽ có thời điểm thị trường mít bị chững lại và bão hòa. Hiện nay, không riêng nông dân miền Tây mở rộng diện tích mà các khu vực như: miền Đông, miền Trung, đặc biệt là các quốc gia lân cận như: Campuchia, Lào, Thái Lan cũng đang mở rộng diện tích trồng mít.

DN này cũng thông tin thêm, hiện nay đang có nhiều đối tác nước ngoài ở những phân khúc thị trường khó tính đặt hàng sản phẩm mít sấy có truy xuất nguồn gốc và được sản xuất theo quy trình sản xuất sạch hiện đại. Với Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp, đây cũng là một điểm nghẽn, bởi nông dân trong tỉnh trồng mít khá nhiều, song để có được một vùng trồng hiện đại, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng thì hầu như vẫn còn bỏ ngỏ.

Với những tín hiệu khả quan từ ngành chế biến xuất khẩu, rõ ràng sản phẩm mít cũng có thể được xem có nhiều lợi thế so với những cây ăn trái khác. Tuy nhiên, để phát triển bền vững thì nông dân cần chọn cho mình cách làm căn cơ hơn. Thay vì phát triển manh mún thì nông dân phải kết nối với nhau và liên kết với DN chế biến, cho việc sản xuất sạch, có truy xuất nguồn gốc để chinh phục nhiều thị trường, là những hướng mở mà nông dân cần tiến tới.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn