Tuyệt đối không tái đàn khi chưa công bố hết dịch

Cập nhật ngày: 10/12/2019 05:37:07

ĐTO - Thời gian qua, dịch tả heo Châu Phi gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi heo tỉnh nhà. Tác động này khiến nguồn cung thịt heo không còn dồi dào, dẫn đến giá heo hơi tăng mạnh trong những tuần qua. Hiện giá heo hơi đã cán mốc 7,3 triệu đồng/tạ, tăng trên 100% so với những tháng đầu năm.

Do giá mặt hàng này tăng vọt nên một số hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh đang rục rịch chuẩn bị tái đàn. Tuy nhiên, theo công văn vừa ban hành của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tỉnh Đồng Tháp (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), người chăn nuôi tuyệt đối không được phép tái đàn khi tỉnh chưa công bố hết dịch.


Sở Công Thương tỉnh thực hiện nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá thịt heo cho người tiêu dùng

Dịch tả heo Châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, tính đến cuối tháng 11/2019, trên địa bàn tỉnh có trên 6.300 hộ chăn nuôi ở 139/144 xã của 12/12 huyện, thị, thành phố có heo mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi. Tổng số heo bệnh và tiêu hủy là 123.500 con (chiếm khoảng 47,5% tổng đàn heo của tỉnh), tổng khối lượng tiêu hủy hơn 8.000 tấn. Đến nay, có 96/139 xã, phường, thị trấn của 12/12 huyện, thị, thành phố đã qua 30 ngày mà không phát sinh thêm ổ dịch mới.

Mặc dù diễn biến của dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh có phần “giảm nhiệt” nhưng dịch bệnh này vẫn chưa thật sự dứt điểm. Trong tuần qua, toàn tỉnh có 12 hộ chăn nuôi có heo bệnh, tiêu hủy với số lượng là 53 con, tương đương khối lượng 4,7 tấn. Trung bình, mỗi ngày có 2 hộ chăn nuôi có heo mắc bệnh với số lượng tiêu hủy là 7 con, tương đương 0,6 tấn/ngày, thấp hơn so với trung bình của tuần trước.

Theo dự báo của ngành thú y tỉnh, hiện nay thời tiết chuyển sang mùa đông, khí hậu lạnh, nếu người chăn nuôi không chú ý thực hiện nghiêm ngặt các yêu cầu về an toàn sinh học thì nguy cơ dịch tả heo Châu Phi có thể tái bùng phát trở lại, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.


Các địa phương cần tổ chức tiêu hủy ngay đối với các trường hợp phát hiện heo bị nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi

Xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố ý tái đàn

Tuy tình hình dịch tả heo Châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng do nguồn heo hơi trong tỉnh giảm mạnh, giá mặt hàng này bắt đầu có chiều hướng tăng nhanh nên một vài hộ chăn nuôi heo chuẩn bị tái đàn theo hướng tự phát. Để tập trung chỉ đạo, tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc tái đàn, ngăn chặn, đẩy lùi được dịch tả heo Châu Phi, giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi, Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố cần tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và người chăn nuôi hiểu rõ tác hại của bệnh dịch tả heo Châu Phi. Tuyệt đối không được phép tái đàn khi chưa có công bố hết dịch của cấp có thẩm quyền.

Ban Chỉ đạo tỉnh cũng yêu cầu các địa phương thành lập ngay các Đoàn kiểm tra, giám sát chặt chẽ đến từng, khóm ấp, không để người dân tự ý tái đàn khi chưa  công bố hết dịch và không đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học, nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Khi phát hiện các trường hợp heo bị nhiễm dịch tả heo Châu Phi, Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương cần tổ chức tiêu hủy ngay. Theo đó, các trường hợp heo mắc bệnh, nghi nhiễm bệnh do người chăn nuôi tự ý tái đàn khi chưa công bố hết dịch và không tuân thủ theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn sẽ không được hỗ trợ. Đối với các trường hợp cố ý tái đàn, làm lây lan dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng sẽ xem xét có biện pháp chế tài theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, việc tái đàn heo phải tuân thủ các điều kiện theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ban Chỉ đạo cấp huyện cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và tình hình tái đàn heo tại các địa phương khi chưa công bố hết dịch tả heo Châu Phi.

Trước tình hình thịt heo được dự đoán sẽ khan hiếm dịp cuối năm, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp đề ra nhiều giải pháp ứng phó kịp thời nhằm đảm bảo nguồn hàng cung ứng, bình ổn giá cho mặt hàng thịt heo vào dịp Tết Nguyên đán.

Sở Công Thương phối hợp với ngành nông nghiệp thống kê tình hình sản xuất, nguồn cung thịt heo, nhu cầu tiêu thụ của người dân để định hướng cho các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối thịt heo chủ động trong việc tìm kiếm nguồn hàng cung ứng. Ngành công thương làm đầu mối kết nối giữa các doanh nghiệp thu mua phân phối thịt heo, các cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn với các đơn vị sản xuất mặt hàng này trong và ngoài tỉnh để có kế hoạch thu mua và dự trữ phục vụ người tiêu dùng.

Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp sẽ phối hợp với các Sở Công Thương các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và TP.Hồ Chí Minh thực hiện Biên bản thỏa thuận kết nối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường đối với mặt hàng thịt heo. Trên cơ sở nắm tình hình biến động về nguồn cung, giá cả thị trường thịt heo để chủ động triển khai các phương án hỗ trợ, huy động các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh kịp thời điều tiết thị trường nhằm bình ổn cho mặt hàng này.

Ngoài ra, Sở Công Thương chỉ đạo các Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng các địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, báo cáo biến động thị trường thịt heo nhằm tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, mua bán thịt heo không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh thực hiện công tác kiểm tra xử lý vi phạm các hoạt động xuất nhập khẩu thịt heo, hoạt động lưu thông mặt hàng này trên thị trường nội tỉnh...

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn