Vài phân tích PCI của Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 28/09/2012 10:16:34

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số đánh giá chất lượng thực tế của điều hành kinh tế cấp tỉnh thông qua phỏng vấn các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại địa phương. Kết quả PCI năm 2011 là “tiếng nói” của 6.922 DN dân doanh của 63 tỉnh, thành và 1.970 DN FDI của 61 tỉnh, thành, Đồng Tháp xếp hạng 4, sau Lào Cai, Bắc Ninh và Long An. Sau đây là một số phân tích của Viện nghiên cứu Phát triển (IDS) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về PCI của Đồng Tháp.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tôn Hoàng trao đổi
với công nhân Công ty Hoàng Long

Là tỉnh nhỏ, cách xa các trung tâm chính trị và kinh tế của đất nước, cho đến nay Đồng Tháp luôn đạt chỉ số PCI cao (từ hạng 21 vào năm 2005, lên hạng 11 năm 2006, hạng 9 năm 2007, hạng 5 năm 2008, hạng 4 năm 2009, hạng 3 năm 2010). Đồng Tháp hầu như không có các DN lớn trong nước cũng như ngoài nước. Trong tỉnh chỉ có hai DN nhà nước là Petimex và Domesco, ba DN quy mô vừa, có vốn đầu tư nước ngoài. Với vài trường hợp ngoại lệ như vậy thì nền kinh tế của tỉnh chủ yếu dựa vào các DN nhỏ và vừa (NVV) trong tỉnh.

Tận dụng lợi thế của hai nhánh sông Mê Kông, Đồng Tháp phát huy thế mạnh nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa, trái cây nhiệt đới, hoa, nuôi thủy sản. Công nghiệp của tỉnh gắn kết chặt chẽ với chế biến nông sản: gạo, thức ăn gia súc, cá. Đồng Tháp xuất sắc trong lĩnh vực điều hành, nhưng lãnh đạo tỉnh nhận thức được rằng chất lượng điều hành không phải là yếu tố duy nhất để thu hút các nhà đầu tư mới, nên tỉnh đã và đang xây dựng các khu công nghiệp lớn có đủ cơ sở hạ tầng...

Về vai trò của DN lớn, qua các cuộc phỏng vấn lãnh đạo DN lớn và những đối tượng khác, cho thấy các DN lớn đánh giá cao các cải cách của Chính phủ, họ có thể dễ dàng tiếp cận lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, tuy nhiên họ đóng góp rất ít vào quá trình hoạch định chính sách ở cấp tỉnh. Điều này không có nghĩa là họ không quan tâm đến những gì chính quyền tỉnh đang làm, mà ngược lại chính sự gọn nhẹ trong các thủ tục hành chính và sự dễ dàng tiếp cận chính quyền địa phương mỗi khi có vấn đề cần giải quyết đã ảnh hưởng đến quyết định đầu tư vào tỉnh Đồng Tháp của các DN. Thế nhưng, các DN này lại có những đóng góp rất lớn trong quá trình hoạch định chính sách ở cấp quốc gia.

Ngược với khối DN lớn, DN NVV đóng góp vai trò tích cực trong quá trình cải cách của tỉnh. Khối DN này đã đóng góp cho những thay đổi trong các quy định và chính sách của tỉnh, làm cho những quy định này phù hợp với thực tế hơn. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh vẫn là động lực thúc đẩy chính của quá trình cải cách. Năm 2005-2006 là giai đoạn quan trọng đối với quá trình cải cách của tỉnh với nhiều bước nhảy vọt. Những bước tiến này do chính quyền địa phương khởi xướng dựa trên cơ sở các chỉ thị và tín hiệu từ Trung ương: nâng cao khả năng cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ được tuyên dương. Mặt khác, dù Đồng Tháp là tỉnh cách xa Hà Nội nhưng tinh thần của chỉ thị đã được các lãnh đạo quan tâm nhanh chóng nắm bắt và tiến hành cải cách dựa trên năng lực kinh doanh của địa phương.

Những người được phỏng vấn từ phía khu vực công và tư thừa nhận rằng, chính quyền tỉnh là động lực chủ yếu thúc đẩy quá trình cải cách ở địa phương. Nhìn chung sự đồng thuận giữa Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành đã thúc đẩy quá trình cải cách. Chính Bí thư Tỉnh ủy là người nắm bắt được tín hiệu từ Trung ương, tìm hiểu kinh nghiệm cải cách từ các tỉnh khác, thiết lập tầm nhìn mới cho tỉnh và khuyến khích chính quyền tỉnh tham gia công cuộc cải cách. Ngoài ra, sự đồng thuận giữa các lãnh đạo và đội ngũ thực thi cũng như giữa khu vực công và khu vực tư nhân cũng luôn được duy trì.

So với các tỉnh khác, chính sách của chính quyền tỉnh Đồng Tháp tập trung vào các DNVVN, chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh với sự tham vấn chặt chẽ của khối DN này. Chỉ số PCI được sử dụng tích cực trong quá trình này, đây không chỉ là biểu kế đo lường chất lượng điều hành của tỉnh mà còn là công cụ tích cực để sửa đổi những khía cạnh yếu kém của môi trường kinh doanh...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn