Xây dựng chuỗi giá trị nông sản

Xu hướng tất yếu giúp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Cập nhật ngày: 23/07/2020 10:31:25

ĐTO - Chưa bao giờ câu chuyện xây dựng chuỗi giá trị nông sản lại cấp bách như hiện nay, nhất là sau sự việc Campuchia cấm nhập khẩu đối với 6 loại rau, củ, quả (bí ngô, bắp cải, đậu bắp, bông cải xanh, chanh, hẹ) của Việt Nam (vào ngày 16/6) do phát hiện có dấu hiệu thuốc trừ sâu. Điều này càng cho thấy việc tiêu thụ nông sản thời gian tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn...


Sau xoài, nhãn là mặt hàng đang được tỉnh đẩy mạnh thực hiện truy xuất nguồn gốc

Từ thực tế này, càng đặt ra cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, Đồng Tháp nói riêng về tính bức thiết phải xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị nông sản, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập toàn cầu đang diễn ra ngày càng sâu rộng hiện nay.

Sản xuất theo chuỗi chỉ chiếm 30-40%

Thật ra, câu chuyện xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản là đề tài không mới và đã được các địa phương chủ động xây dựng lộ trình từ lâu. Tuy nhiên, đến hôm nay sự việc này lại càng gióng lên hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ hơn về câu chuyện nông sản an toàn.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh cho biết, đối với Đồng Tháp, nhận diện được những khó khăn của thị trường nên ngay từ khi thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đồng Tháp đã xác định xây dựng mô hình HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm là một trong những nhân tố quan trọng nhất. Chính vì vậy, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng lộ trình cụ thể chọn ra những HTX đủ mạnh để xây dựng chuỗi giá trị nhằm tạo ra mối liên kết về việc mua chung, dùng chung, giảm giá thành sản xuất.

Qua thời gian thực hiện, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình xây dựng chuỗi giá trị thành công và tăng giá trị từ 15 - 20% so với sản phẩm khi chưa sản xuất theo chuỗi. Tuy nhiên, hiện nay số lượng HTX tham gia chuỗi liên kết còn rất hạn chế, chỉ chiếm 35-40% tổng số HTX toàn tỉnh thực hiện liên kết tiêu thụ cho nông dân. Cụ thể, đối với lúa, chỉ chiếm 35% diện tích sản xuất; cây ăn trái, hoa màu của tỉnh liên kết không nhiều, hầu hết bán qua thương lái hoặc bán ở mức sản phẩm thô chưa qua sơ chế. Riêng sản phẩm đưa vào hệ thống các siêu thị đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao nhưng số lượng nhỏ, thời gian cung cấp thường xuyên nên khó đáp ứng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, song một trong những lý do chính là giữa doanh nghiệp (DN) và người nông dân chưa có tiếng nói chung, chưa có sự cảm thông giữa đôi bên dẫn đến sự kết nối hạn chế; số lượng, chất lượng chưa ổn định. Đặc biệt, thiếu DN đủ mạnh tham gia liên kết để thực hiện vai trò dẫn dắt chuỗi...

 

Cần linh động hơn trong tổ chức chuỗi giá trị

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Tuấn - Chủ nhiệm Thanh long Hội quán (huyện Châu Thành) cho rằng, không phải HTX không nhận ra được sự thay đổi của thị trường, hiện nhiều HTX đã nắm bắt và bắt đầu sản xuất sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP từ nhiều năm nay, tuy nhiên vấn đề liên kết theo chuỗi vẫn còn rất khó khăn.

“Để xây dựng chuỗi giá trị bền vững, tôi nghĩ cần phải có sự thống nhất về quan điểm tiếp cận và tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, cả về chính sách tín dụng để hỗ trợ HTX. Bởi vì hiện nay, nông dân tập trung sản xuất ra nông sản hàng hóa, nhưng khâu bảo quản sau thu hoạch và chế biến thành các sản phẩm đóng gói, có mã vạch, truy xuất được nguồn gốc thì nông dân chưa làm được” - ông Tuấn cho biết.

Đại diện HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (Lấp Vò) đề xuất, bên cạnh việc tìm những DN uy tín, có tâm để giới thiệu đến HTX, địa phương nên nghiên cứu mô hình cho DN đầu tư vào chuỗi tiếp cận nguồn vốn này. Hiện nay, tỉnh có nguồn quỹ hỗ trợ phát triển HTX nhưng số lượng HTX tiếp cận được rất ít, nguyên nhân là do HTX không có nguồn vốn thế chấp hoặc phương án sản xuất kinh doanh chưa khả thi... Thay vì vậy, Liên minh HTX tỉnh nên phối hợp với một DN uy tín tiếp cận với nguồn quỹ này, sau đó thực hiện chuỗi giá trị với các HTX trong tỉnh. Thiết nghĩ nếu làm được điều này, nông dân thấy được hiệu quả thiết thực thì khi đó không cần phải vận động, nông dân sẽ chủ động xin vào HTX để sản xuất....

Bắt nhịp và thực hiện khá hiệu quả chuỗi liên kết tiêu thụ, ông Phan Công Chính – Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Bình (Thanh Bình) chia sẻ, qua 3 năm thực hiện chuỗi giá trị, kinh nghiệm của HTX đó là, để mô hình liên kết phát triển ổn định cần có sự đồng lòng của cả 3 bên: Nhà nước, DN, HTX. Riêng với công ty, DN - vai trò đầu tàu phải thật sự chia sẻ những khó khăn thiệt thòi của nông dân để tạo thuận lợi người dân tham gia, có như thế mô hình mới tiếp tục phát triển bền vững” - ông Phan Công Chính chia sẻ.

Quan tâm đến lợi ích thành viên

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, quan điểm của tỉnh trong phát triển HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm đó là không đặt nặng vấn đề về chỉ tiêu thành lập mới HTX, lợi nhuận HTX là bao nhiêu, hoạt động bao nhiêu dịch vụ, mà điều cần quan tâm là thành viên được lợi ích gì so với trước khi tham gia vào HTX. Chính vì mục tiêu này, nên thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát và thực hiện đồng bộ các chính sách của Trung ương nhằm hỗ trợ các HTX nông nghiệp, tổ hợp tác, nông dân các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại, tiêu thụ lúa gạo, phù hợp với thực tiễn hơn; tác động mạnh và hiệu quả hơn nhằm khuyến khích các tác nhân tham gia phát triển chuỗi.

Đặc biệt, trong năm 2020, ngành nông nghiệp đang triển khai xây dựng Đề án nông nghiệp thông minh giai đoạn 2021 – 2030, với mục tiêu đến năm 2030 trên 50% HTX, Hội quán ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là điều kiện cần thiết góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt trước sức ép hội nhập kinh tế quốc tế. Đó cũng là chìa khóa thành công để các HTX tham gia vào chuỗi giá trị liên kết cùng các đối tác lớn thị trường trong và ngoài nước.

“Tất nhiên, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân HTX phải thật sự hòa nhập, chủ động trong “cuộc chơi” này thì mới thành công. Nông dân, HTX phải chủ động hơn nữa trong cách tiếp thị trường; tự đổi mới về phương thức tổ chức sản xuất, tập trung xây dựng chuẩn hàng hóa đạt tiêu chuẩn (VietGAP, GlobalGAP) và phải nhận thức rằng chỉ có hàng VietGAP, chuẩn an toàn thực phẩm mới được đưa vào lưu thông trên thị trường”, ông Hiếu cho biết.

Có thể thấy rằng, những vấn đề của thị trường và sự thay đổi nhu cầu tiêu dùng nông sản đòi hỏi người nông dân phải thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh và sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là sự cần thiết tất yếu, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản là xu hướng tất yếu, là nhân tố quan trọng thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, giúp ngành nông nghiệp tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn