Bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Tràm Chim gắn với phát triển sinh kế bền vững

Cập nhật ngày: 10/08/2023 13:16:52

ĐTO - Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim được công nhận là Khu Ramsar thứ 2000 của thế giới và là Ramsar thứ 4 của Việt Nam vào năm 2012. Từ đó đến nay, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn gắn với phát triển ổn định sinh kế cho người dân vùng đệm, qua đó giúp việc bảo tồn đa dạng sinh học thực hiện hiệu quả hơn.

VQG Tràm Chim là vùng đất ngập nước rộng lớn thuộc địa phận các xã: Tân Công Sính, Phú Đức, Phú Thọ, Phú Thành A, Phú Thành B, Phú Hiệp và thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông) với tổng diện tích tự nhiên 7.313ha. Vườn được Chính phủ công nhận là VQG ngày 29/12/1998.

VQG Tràm Chim có thảm thực vật phong phú với hơn 130 loài thực vật bậc cao, với 6 kiểu quần xã đặc trưng: quần xã sen, lúa trời, năng, mồm mốc, cỏ ống và quần xã rừng tràm. Hệ chim nước có 231 loài, thuộc 25 chi, 49 họ. Trong đó, có 88% được tìm thấy vào mùa khô, chiếm ¼ tổng số các loài chim tìm thấy ở Việt Nam; có nhiều loài chim quí hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và IUCN như: cốc đế, giang sen, già sói... và đặc biệt là sếu đầu đỏ đang được thế giới bảo vệ. Thủy sản có 150 loài cá nước ngọt, các loài cá nằm trong Sách đỏ Việt Nam như: cá còm, cá mang rổ, cá duồng, cá hô; 191 loài thực vật, hệ thủy sinh vật đa dạng, phong phú với gần 180 loài tảo, 110 loài thực vật nổi, 26 loài thực vật đáy, gần 350 loài phiêu sinh thực vật, 34 loài bò sát lưỡng cư...


Du khách tham quan trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Tràm Chim

Xác định việc xâm nhập, đánh bắt trái phép động vật tại VQG là do người dân có hoàn cảnh khó khăn nên bên cạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư vùng đệm chấp hành đúng các quy định và cam kết bảo vệ VQG... địa phương còn có các cơ chế hỗ trợ người dân vùng đệm phát triển kinh tế. Một trong những việc làm thiết thực nhất, đó là Dự án hỗ trợ vốn cho chị em phụ nữ phát triển kinh tế. Mô hình không chỉ giúp nhiều hộ dân thoát nghèo mà còn giúp họ yên tâm gắn bó với rừng...

Gia đình chị Nguyễn Thị Dẻo là hộ khó khăn nhiều năm của xã vùng đệm Tân Công Sính, huyện Tam Nông. Hơn 10 năm trước, chị được tiếp cận nguồn vốn vay của “Dự án chuyển giao khoa học công nghệ và phát triển kinh tế hộ gia đình” cho bà con các xã vùng đệm do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện triển khai. Với số tiền 15 triệu đồng, chị đầu tư nuôi ong. Nhờ chịu khó, chăm chỉ làm ăn, gia đình chị Dẻo đã vượt qua khó khăn. Hiện chị đã mở rộng quy mô sản xuất và tạo việc làm cho gần 10 lao động địa phương có thu nhập ổn định. Bên cạnh phát triển kinh tế, chị Dẻo là Tổ trưởng Tổ phụ nữ ấp Cà Dâm, xã Tân Công Sính tham gia hỗ trợ, vận động con em trên địa bàn cùng chăm lo, bảo vệ rừng.

Bên cạnh dự án hỗ trợ chị em phụ nữ vùng đệm vay vốn, địa phương còn triển khai các mô hình du lịch sinh thái tại Vườn với lực lượng nòng cốt là các hộ dân và con em ở những vùng đệm tham gia. Nhờ đó, số hộ vi phạm giảm đáng kể, đặc biệt thông qua đội ngũ này, việc tiếp cận, tuyên truyền đến người dân, du khách về ý thức bảo rừng được thực hiện hiệu quả hơn...

Theo ông Trần Thanh Nam - Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, việc bảo tồn các loài động, thực vật trong VQG Tràm Chim luôn được tỉnh, huyện quan tâm. Đặc biệt là để hài hòa giữa nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên gắn với hỗ trợ người dân phát triển sinh kế bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1037/QĐ-UBND.HC ngày 5/10/2015 phê duyệt báo cáo vùng đệm VQG Tràm Chim và chỉ đạo các sở, ngành tỉnh, UBND huyện Tam Nông phối hợp lập dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân khu vực vùng đệm, nhằm hạn chế việc người dân xâm nhập trái phép vào Vườn để săn, bắt ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài chim, cò, đặc biệt là sếu đầu đỏ. Hiện tỉnh đang triển khai Dự án Bảo tồn và Phát triển sếu đầu đỏ tại VQG Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032. Huyện đang rà soát thực trạng sản xuất của người dân, lập Đề án phát triển sinh kế vùng đệm VQG Tràm Chim, hỗ trợ cho người dân an tâm sản xuất, kinh doanh, mua bán để nâng cao đời sống, hạn chế xâm nhập vào Vườn, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động, thực vật trong Vườn và vùng đệm...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn