Quan tâm xử lý chất thải rắn và chất thải nguy hại bảo vệ môi trường
Cập nhật ngày: 08/04/2025 10:54:56

ĐTO - Thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh chú trọng tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời tổ chức hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới (2/2), Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5), Ngày Môi trường thế giới (5/6); duy trì và nhân rộng các mô hình giữ gìn môi trường có hiệu quả góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường.

Các thành viên Câu lạc bộ Phật giáo huyện Châu Thành tham gia trồng cầy xanh góp phần bảo vệ môi trường
Theo ngành chức năng tỉnh, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn tỉnh khoảng 1.081 tấn/ngày, khối lượng được thu gom khoảng 753 tấn/ngày. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom chủ yếu từ hoạt động sinh hoạt của người dân tại các khu vực đô thị, nông thôn, khu dân cư tập trung, các cơ quan, doanh nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ thu gom trung bình tại khu vực đô thị đạt khoảng 94%, khu vực nông thôn đạt 63%.
Tỉnh có 2 dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt gồm: Nhà máy xử lý và tái chế rác thải sinh hoạt của Công ty CP Đầu tư Phát triển xử lý môi trường Cửu Long tại Trung tâm công nghệ xử lý môi trường Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh) với công suất 240 tấn/ngày (hiện tại đã ngừng hoạt động) và Nhà máy xử lý rác thải và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh Gia Bình Hồng Ngự tại khu xử lý Bình Thạnh (TP Hồng Ngự) với công suất 150 tấn/ngày (đang hoàn thiện xây dựng chuẩn bị đi vào hoạt động).
Theo ngành chức năng tỉnh, qua rà soát, chủ yếu chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhất là các cơ sở chế biến thủy sản, chế biến nông sản, lương thực, thực phẩm; toàn bộ khối lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường được các cơ sở thu gom, tái sử dụng hoặc chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý theo quy định. Tổng khối lượng chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 400 tấn/năm, chủ yếu phát sinh từ các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Toàn bộ khối lượng chất thải nguy hại được các cơ sở thu gom và chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý theo quy định. Chất thải y tế nguy hại chủ yếu phát sinh từ các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thành phố. Toàn bộ 100% chất thải y tế được các cơ sở y tế thu gom, xử lý theo mô hình xử lý chất thải y tế theo cụm kết hợp với chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại để thu gom xử lý.
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 504 ngày 4/5/2021 phê duyệt Chương trình quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo chương trình quan trắc được duyệt, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) xây dựng kế hoạch hàng năm, tập trung thực hiện quan trắc chất lượng môi trường nước mặt, không khí, đất, nước ngầm, trầm tích để theo dõi, giám sát chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh. Từ đó, chỉ đạo thực hiện tốt quy định về phân vùng xả thải, từng bước cải thiện công tác quản lý, kiểm soát, phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm môi trường nước tại các lưu vực sông, các kênh, rạch chính trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản, cải tạo, phục hồi môi trường nước lưu vực sông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm và triển khai thực hiện, trong đó tất cả dự án khai thác cát sông đều thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Năm 2025, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tập trung chú trọng vào các nhiệm vụ, lĩnh vực: tiếp tục triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước của Trung ương và của tỉnh; tiếp tục rà soát, cập nhật bộ thủ tục hành chính giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thuộc lĩnh vực môi trường. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường thuộc thẩm quyền của địa phương và các dự án về môi trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường; thực hiện tốt các chỉ số về môi trường thuộc tiêu chí 17 trong xây dựng nông thôn mới; nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường, mô hình tự quản về bảo vệ môi trường hiệu quả ở địa phương. Tăng cường quản lý về môi trường đối với các dự án đầu tư, chú trọng việc xem xét về vị trí và các yếu tố nhạy cảm về môi trường, hướng dẫn chủ dự án thực hiện đúng các thủ tục về môi trường và các quy định pháp luật về môi trường trong quá trình đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh.
DŨNG CHINH