Văn hóa và phát triển

Để nghệ thuật đường phố phát triển lành mạnh, đúng hướng

Cập nhật ngày: 03/06/2017 05:22:56

Nghệ thuật đường phố mới du nhập vào Việt Nam nhưng đã đem đến những làn gió mới lạ, thú vị. Sự bùng phát khá nhanh của nghệ thuật đường phố, đã đặt ra nhiều vấn đề đối với công tác quản lý, quy hoạch và định hướng phát triển loại hình nghệ thuật mới này.

 
Nghệ thuật đường phố thu hút đông đảo người xem trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP Hồ Chí Minh)

Làn gió mới

Sinh ra trong thành phố, mang hơi thở trẻ trung của nhịp đập phát triển đô thị và có sự ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa phương Tây,…, sự xuất hiện của nghệ thuật đường phố không khỏi khiến nhiều người thích thú chen lẫn bỡ ngỡ bởi sự mới lạ của nó. Không bó gọn nơi “đình đền miếu mạo” như xa xưa, cũng không đòi hỏi thiết chế văn hóa kiểu rạp hát, sân khấu, khán phòng như nghệ thuật chuyên nghiệp,…, nghệ thuật đường phố xem vỉa hè, đường phố là sân chơi, là địa điểm lý tưởng để trình diễn.


Nhóm Xẩm Hà thành thường xuyên biểu diễn trên đường phố Hà Nội

Vì thế, nghệ thuật đường phố chỉ mới xuất hiện và dần phát triển ở một số thành phố lớn của Việt Nam. Tại Hà Nội, nghệ thuật đường phố tập trung tại một số đường phố, tụ điểm như: vườn hoa Lý Thái Tổ, chung quanh nhà Bát Giác, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, dọc phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ,…; tại TP Hồ Chí Minh, có ở phố Nguyễn Huệ; và ở Đà Nẵng, xuất hiện rải rác trên các phố dọc sông Hàn,...

Như một làn gió mới, nghệ thuật đường phố ít nhiều đã giải cơn khát giải trí, thưởng thức nghệ thuật của đông đảo công chúng. Bên cạnh các khán phòng quen thuộc cũng như các tụ điểm ca nhạc cố định… sự ra đời của nghệ thuật đường phố đã đem đến cho công chúng thêm một địa chỉ giải trí mới lạ.

Với tính cơ động, ngẫu hứng của nghệ thuật đường phố, khán giả giờ đây được chứng kiến một “sân khấu di động” với nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn thay đổi qua đêm này đến đêm khác, từ đường phố này đến góc phố kia,… Loại hình văn hóa dân gian truyền thống có mặt trong nghệ thuật đường phố hết sức dung dị với: Xẩm, Quan họ, Đờn ca Tài tử, Sáo Mông,… Âm nhạc bác học phương Tây bày biện đủ thứ với nghệ thuật đường phố như: Tứ tấu đàn dây, độc tấu ghi-ta, Accoustic, Jazz,…

Ngoài ra có thể kể đến nhiều loại hình trình diễn đặc trưng của nghệ thuật đường phố: beatbox, ảo thuật đường phố, hip-hop, du ca…

Thú vị hơn cả, sự dung dị của nghệ thuật đường phố đã xóa mờ ranh giới giữa nghệ sĩ, nghệ nhân biểu diễn và khán giả. Tất cả dường như hòa trộn vào nhau trong nghệ thuật đường phố. Thậm chí, nhiều công chúng bình thường cũng có thể trình diễn cùng các nghệ sĩ chuyên nghiệp và cũng có thể nhập vai, thử sức với nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn.

Từ đó, nhiều nghệ sĩ, không chuyên có cơ hội biểu diễn, được công chúng biết đến nhiều hơn. Có thể kể đến những sinh viên của Trường đại học Bách khoa thường xuyên biểu diễn sáo, hay những nghệ sĩ không chuyên mang tên nhóm WEQUAL của Viện Nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường với chương trình đồng diễn, nhảy múa, ca hát mang tên Dance for love (Vũ điệu tình yêu) trên những con phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội… Từ sân chơi nghệ thuật đường phố, nhiều nghệ sĩ đã trở nên nổi tiếng như Nguyễn Việt Hoàng, Chủ nhiệm CLB Thế giới ảo thuật; ảo thuật gia J, ảo thuật gia Phạm Trường, hay nghệ sĩ beatbox Minh Kiên, Phong Hải,…

Cần sự quản lý, định hướng phát triển

Dù vậy, sự ra đời và bùng phát khá nhanh của nghệ thuật đường phố ở Việt Nam cũng đã và đang đặt ra nhiều bài toán đối với công tác quản lý, quy hoạch và định hướng nghệ thuật… Theo Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu thì đối với các chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng không phải xin cấp giấy phép biểu diễn.

Phần lớn chương trình nghệ thuật đường phố là chương trình nghệ thuật quần chúng, không bán vé, không thu tiền…, theo lẽ đó cũng không phải đề nghị cấp giấy phép biểu diễn. Do vậy rất khó khăn trong công tác quản lý, kiểm định loại hình nghệ thuật đường phố. Không ít chương trình nghệ thuật đường phố biểu diễn ngẫu hứng không có kịch bản, không được thẩm định về nội dung và chất lượng nghệ thuật. Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội đã thử nghiệm áp dụng Nghị định số 79/2012/NĐ-CP để quản lý nghệ thuật đường phố trong Khu phố cổ Hà Nội và các nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ đã được yêu cầu thông báo chương trình biểu diễn cho các cơ quan chức năng trước khi biểu diễn năm ngày...

Việc quy hoạch, sắp xếp các không gian biểu diễn cho nghệ thuật đường phố cũng là một bài toán nan giải. Trong thế giới nghệ thuật đường phố có nhiều sắc thái khác nhau từ nghệ thuật hình thể, văn hóa dân gian đến âm nhạc bác học, thủ công truyền thống…

Việc quy hoạch không gian biểu diễn cho từng loại hình nghệ thuật vì thế không phải là điều dễ dàng, bởi nếu quy hoạch, sắp xếp theo không gian biểu diễn, theo môi trường diễn xướng không khéo lại phá vỡ tính ngẫu hứng, đô hội của nghệ thuật đường phố. Nghệ sĩ Xuân Tùng, Trưởng nhóm Sign In nhìn nhận: “Đã là nghệ thuật đường phố thì không thể tránh khỏi sự ồn ào. Vì thế, nên chăng các nhà quản lý có những khảo sát theo từng khu vực dân cư để nắm bắt được thị hiếu và sắp xếp cho các nhóm những vị trí biểu diễn hợp lý”.

Tất nhiên, trong các khu phố đi bộ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay trong Khu phố cổ Hà Nội cũng đã có những quy định chung về an ninh trật tự, nhưng việc cắm mốc chỉ điểm được biểu diễn nghệ thuật thật sự là cần thiết để quy định chỗ nào được phép biểu diễn, chỗ nào không cho phép biểu diễn nghệ thuật đường phố.

Bên cạnh đó, việc trang bị và điều chỉnh âm thanh, ánh sáng cũng như các điều kiện phục vụ biểu diễn ngoài trời cũng là một thử thách mới đối với nghệ thuật đường phố. Ngày 4/3/2017, Dàn nhạc giao hưởng Luân Đôn đã có buổi trình diễn ngoài trời chất lượng cao ngay tại vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội). Ngoài ba màn hình lớn được đặt chung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm cần đường truyền bảo đảm chất lượng âm thanh, dàn nhạc giao hưởng đòi hỏi nhiều điều kiện về công tác kỹ thuật cho buổi biểu diễn ngoài trời đặc biệt này.

Nhạc sĩ Quốc Trung cho biết: “Dàn nhạc giao hưởng hàng đầu thế giới này yêu cầu bảo đảm nhiều yếu tố cơ bản cho một buổi diễn ngoài trời như: sân khấu phải có mái che, chung quanh phải bao bọc không được cho ánh nắng chiếu vào và mưa cũng có thể biểu diễn được…”. Vẫn biết, đối với mỗi loại hình nghệ thuật có những yêu cầu về điều kiện biểu diễn khác nhau, nhưng đó cũng là một bài học cho công tác tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật đường phố hãy còn non trẻ của Việt Nam. Dù mới trình làng với nhiều sắc thái thú vị nhưng nghệ thuật đường phố cũng đã bộc lộ những mặt trái cần phải điều chỉnh.

Nhiều chương trình gần đây có những biến tướng gây phản cảm và bức xúc dư luận. Đơn cử như đêm diễn mang tên DJ Beach Club ở Bà Rịa - Vũng Tàu được thông báo là một hoạt động của Lễ hội văn hóa ẩm thực, nhưng thực chất là màn trình diễn bi-ki-ni phản cảm. Hay chuỗi hoạt động biểu diễn ở trên các góc phố ở Hà Nội gần đây mang danh Đoàn nghệ thuật ca nhạc Thăng Long thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin TP Hà Nội tổ chức, nhưng thực chất là “mạo danh” tổ chức nhân đạo này để trục lợi…

Đã đến lúc, các chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố cũng cần có quy chế riêng để quản lý, định hướng nghệ thuật. Thậm chí, có thể sửa đổi, bổ sung Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5/10/2012, bổ sung các điều khoản riêng về nghệ thuật đường phố. Trước mắt, nhất thiết các chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố cần phải có dự án, kế hoạch hay nội dung kịch bản trình báo các cơ quan có thẩm quyền, hoặc các nghệ sĩ biểu diễn phải có thẻ hành nghề hay cam kết biểu diễn bảo đảm đúng quy định, trình tự của pháp luật về nghệ thuật biểu diễn.

Theo Phúc Nghệ (Nhân Dân)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn