Góc nhìn:

Hãy giữ cái tâm, cái tầm của người cầm bút

Cập nhật ngày: 21/06/2016 10:15:34

ĐTO - Báo chí đã có công lớn vào quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội. Bằng sự công khai, minh bạch, báo chí đã góp phần xóa đi những khoảng tối, làm chùn tay những kẻ tham nhũng, quan liêu, sâu mọt xã hội.


Ảnh: Minh họa (nguồn: internet)

Đặc biệt, báo chí đã làm gần lại tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng và Nhà nước; nhân rộng những điển hình tiên tiến để xã hội ngày càng trong sáng, tươi đẹp hơn…, được công chúng, độc giả tin tưởng, đặt niềm tin vào sự khách quan, trung thực của nhà báo.

Minh chứng cho điều này là hàng ngày, các cơ quan báo, đài thường xuyên nhận các cuộc gọi điện thoại và đơn thư của bạn đọc gửi về. Trong số đó, có không ít người từng gõ cửa các cơ quan công quyền những mong tìm được một lời giải đáp thỏa đáng về những bức bách trong cuộc sống nhưng đã thất vọng.

Và, họ đã tìm đến các tòa soạn báo để nhờ quyền năng thông tin của báo chí công khai vụ việc của họ và tạo sức mạnh công luận để ngành chức năng nhanh chóng xử lý vụ việc của mình.

Tuy nhiên, thời gian qua, một số cơ quan báo, đài cũng có nhiều thiếu sót, khuyết điểm, bất cập như sai tôn chỉ, mục đích, cạnh tranh thiếu lành mạnh…, đã đưa những thông tin không chính xác, thất thiệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của công chúng và nhân dân.

Điển hình, chương trình Cafe sáng của VTV3 phát sóng phóng sự “Cây chổi quét rau” sai sự thật gây ảnh hưởng đến uy tín của vùng rau Vĩnh Thành (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) và tổn hại đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của bà con nơi đây.

Hay, trước đây, một số báo đã đưa tin thất thiệt về việc “Ăn bưởi có nguy cơ ung thư vú” gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất cho người trồng bưởi trong cả nước; thông tin “100% mì tôm chứa chất độc acid oxalic gây sỏi thận”.

Từ những vụ trên, tôi ngẫm lại câu nói: “Một viên đạn lạc có thể chỉ làm bị thương một người, nhưng một bài báo thất thiệt có thể làm vô số người lâm vào cảnh khốn cùng”, của một người anh làm báo, tôi thấy thấm vô cùng!

Những thông tin thất thiệt, thiếu chính xác đó không chỉ làm nhiều người dân lâm vào cảnh khốn cùng mà còn khiến cho không ít công chúng, độc giả thất vọng, mất lòng tin vào những người làm báo.

Từ đó, có khá nhiều nhận xét không hay về nghề báo trong công chúng, độc giả, nhân dân, như: “Nhà văn nói láu, Nhà báo nói thêm”. Thậm chí có người nói: “Lương thực bẩn, thực phẩm bẩn. Bây giờ tới, thông tin bẩn của mấy ông bà phóng viên. Quá thất vọng”. Là một phóng viên tôi thật sự buồn và xốn xang khi nghe những lời bình phẩm này.

Ngòi bút của phóng viên có một sức nặng rất lớn và sức nặng đó đi theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực hoàn toàn phụ thuộc vào cái tâm, cái tầm của người cầm bút.

Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, những người làm báo hãy gạt đi những tư lợi cá nhân, sống và viết bằng “Tâm trong bút sắt”, giữ cho sức nặng ngòi bút của mình theo hướng tích cực.

Bích Liễu

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn