Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp

“Ngôi nhà chung” của nông dân

Cập nhật ngày: 25/01/2018 07:39:53

ĐTO - Chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, thời gian qua, hội viên (HV) Hội Làm vườn (HLV) các cấp trong tỉnh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng các mô hình sản xuất tập trung cho giá trị kinh tế cao, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Kết quả từ những cách làm hay

Với chức năng nhiệm vụ của mình, HLV tỉnh Đồng Tháp đã tham khảo, thăm dò nhiều cách thức làm ăn phù hợp với vùng đất, khí hậu của tỉnh để vận động, tuyên truyền HV phát triển kinh tế theo nhiều mô hình. Hiện có hơn 18.000 HV, trong năm qua, nhiều HV HLV tỉnh cải thiện được thu nhập đáng kể nhờ các mô hình phát triển kinh tế. Những mô hình đó ngày càng được nhân rộng, nhiều người từ hoàn cảnh gia đình nghèo khó đã trở nên khá giả.


Xoài đã trở thành cây trồng chính giúp nhiều hội viên Hội Làm vườn trên địa bàn tỉnh nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình

Để hình thành, phát triển được những mô hình kinh tế phù hợp, Ban chấp hành HLV đã tổ chức nhiều buổi trao đổi kinh nghiệm về kiến thức liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Từ các buổi trao đổi này, nhiều vấn đề về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đã được giải thích cặn kẽ cho HV, những vấn đề thiết thực được tháo gỡ, giải thích, nhất là những khó khăn về vốn, kỹ thuật, thị trường... Nhờ vậy, sau các buổi thảo luận, các HV tiếp tục truyền đạt lại cho các hộ khác tại các buổi thảo luận sau. Từ việc tìm hiểu, học tập kinh nghiệm rồi áp dụng thử, nhiều HV mạnh dạn thực hiện các mô hình một cách bài bản hơn.

Điển hình như hiện nay, các mô hình canh tác xoài ở TP.Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh đã liên kết được với Công ty TNHH Long Uyên, Công ty TNHH MTV Anh Nhân, Công ty VinEco, Công ty Agricare Việt Nam... tiêu thụ được hơn 13.000 tấn xoài các loại. Đa số các loại xoài này được liên kết trồng theo mô hình VietGAP, giá cao hơn xoài thường từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, lãi từ 200 triệu - 220 triệu đồng/ha.

Đặc biệt nổi bật là mô hình xoài trồng theo hợp đồng liên kết xuất khẩu, được thực hiện ở huyện Cao Lãnh hơn 2 năm qua, bình quân mỗi tháng xuất khẩu từ 100 - 200 tấn ra các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), New Zealand. Sản phẩm xoài được xuất khẩu có giá cao hơn xoài bình thường từ 3.000 - 5.000 đồng/kg.

Hay như các nhà vườn thuộc Tổ hợp tác (THT) sản xuất quýt đường xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung. Ở đây, hiện người nông dân đã cùng thay đổi suy nghĩ, nhận thức về việc sản xuất nông sản theo hướng sạch đạt chuẩn GlobalGAP. Thời điểm mới đi vào thực hiện mô hình, HLV tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình hoạt đồng nhằm giúp HV nâng cao nhận thức về quy trình sản xuất nông sản sạch. Bởi khi đó, khái niệm về sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn GlobalGAP vẫn còn khá xa lạ so với số đông người làm vườn ở Lai Vung.


Mô hình sản xuất của Tổ hợp tác quýt đường xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung mang lại hiệu quả nổi bật trong liên kết tiêu thụ nông sản

Chính vì sự thay đổi về nhận thức này, từ tháng 9/2016, Công ty VinEco thuộc Tập đoàn Vingroup chính thức đặt vấn đề liên kết tiêu thụ đối với sản phẩm quýt đường GlobalGAP của THT sản xuất quýt đường xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu vị thế của mặt hàng nông sản thế mạnh của huyện Lai Vung trên thị trường. Hiện tại, quýt đường GlobalGAP của THT sản xuất quýt đường Vĩnh Thới được Công ty VinEco thu mua với mức giá ổn định và cao hơn giá thị trường khoảng 15 - 20%. Trung bình mỗi tháng công ty thu mua trên 30 tấn trái thương phẩm, dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Đánh giá về hoạt động của các cấp HLV trong thời gian qua, ông Lê Văn Tâm - Chủ tịch HLV tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trong các chương trình hoạt động, HLV luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động HV tích cực hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ HV phát triển kinh tế. Đáng chú ý là các chương trình, hoạt động như: tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả... Thông qua các hoạt động hỗ trợ đã giúp HV khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, huy động được nguồn vốn, ngày công lao động, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế”.

Hướng tới tính bền vững

Mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng những năm qua, các cấp Hội đã hoàn thành cơ bản nhiều mục tiêu đề ra, được tỉnh và Trung ương Hội ghi nhận. Phong trào phát triển kinh tế nông nghiệp ngày càng sâu rộng, đóng góp quan trọng trong việc nâng cao đời sống của người dân. Từ những mô hình sản xuất mang tính tự cung, tự cấp là chủ yếu, đến nay, phong trào làm vườn có quy mô lớn ngày càng tăng, phát triển theo hướng kinh tế hợp tác bền vững.


Ngành hàng hoa kiểng, một trong những lĩnh vực Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp chú trọng hỗ trợ phát triển trong thời gian qua

Để nông nghiệp phát triển một cách hiệu quả, thời gian tới, HLV tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân trong việc quy hoạch hợp lý cho sản xuất đối với từng loại cây trồng chủ lực, cùng với từng cấp, ngành giám sát thực hiện quy hoạch chặt chẽ, không để nông dân ở vào thế bị động trong sản xuất. Bên cạnh đó, Hội cũng tích cực tuyên truyền, cung cấp đầy đủ thông tin cho nông dân về nhu cầu và giá cả các sản phẩm thường xuyên, liên tục của thị trường nông sản trong tỉnh, trong nước và thế giới để người nông dân chủ động hơn trong sản xuất.

Theo HLV tỉnh Đồng Tháp, việc xây dựng cơ chế, tạo mối liên kết giữa các “nhà”, nhất là giữa nhà nông và doanh nghiệp thông qua phương thức sản xuất theo hướng hợp tác giữa các THT, hợp tác xã cũng sẽ là một trong những nhiệm vụ các cấp Hội đặc biệt quan tâm. Ngoài ra, các cấp Hội cũng tăng cường hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho nông dân thông qua các chương trình khuyến nông; tăng cường đưa các giống cây, con sạch bệnh, rõ nguồn gốc vào sản xuất...

Ông Lê Văn Tâm - Chủ tịch HLV tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm: “Thời gian tới, các cấp HLV tiếp tục củng cố và phát triển tổ chức Hội theo hướng nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Song song đó, sẽ tổ chức tốt các hoạt động thiết thực chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, HV. Ngoài ra, Hội sẽ vận động HV đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế bền vững; tiếp tục hướng dẫn nông dân trong việc sản xuất giảm giá thành đầu vào, kết nối với các doanh nghiệp đầu ra; xây dựng những mô hình sản xuất, kinh doanh mới cho hiệu quả kinh tế cao, từng bước cải thiện đời sống, góp phần tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo của địa phương...”.

Hoài Minh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn