Chuyển đổi cây trồng phù hợp trên đất lúa kém hiệu quả

Cập nhật ngày: 22/06/2017 05:56:51

ĐTO - Huyện Tam Nông là một trong những địa phương có vùng nguyên liệu sản xuất lúa – gạo lớn của tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc sản xuất lúa đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như: tình hình biến đổi khí hậu, việc xuất khẩu gạo không thuận lợi... Do đó, việc giảm diện tích đất lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây khác đang là việc làm cấp bách được huyện đẩy mạnh trong năm 2017. Một số mô hình được triển khai thí điểm hiện đã nhận được sự đồng tình và đánh giá cao từ phía người nông dân.


Mô hình trồng bắp sinh khối ở xã Phú Ninh

Trồng bắp sinh khối cho vùng gò cao

Một trong những mô hình được nông dân ở xã Phú Ninh kỳ vọng là mô hình trồng bắp sinh khối (hay còn gọi là trồng bắp lấy thân) phục vụ cho ngành chăn nuôi bò công nghiệp được huyện triển khai trên diện tích 10ha ở khu vực ấp 2 và ấp Phú An.

Ông Nguyễn Văn Chánh, một nông dân tham gia mô hình chia sẻ: “Do đặc thù địa hình là đất gò cao nên từ trước đến nay khu vực này trồng lúa không hiệu quả, nông dân tự chuyển đổi sang trồng bắp lấy hạt, trồng ớt, bầu, bí hay dưa leo... Mùa nào nông sản có giá thì sống được, còn mùa nào rớt giá coi như nợ nần, khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều người phần bỏ xứ đi làm công nhân ở Bình Dương vì trồng ớt bị thua lỗ. Vì vậy, chúng tôi hi vọng rất nhiều vào mô hình trồng bắp lấy thân này, đây là mô hình trồng màu đầu tiên ở địa phương được gắn kết tiêu thụ với doanh nghiệp”.

Theo số liệu ước tính của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tam Nông, trung bình 1.000m2 nông dân có thể thu hoạch khoảng 5,5 – 7 tấn bắp thân, với giá bán cố định được doanh nghiệp thỏa thuận từ đầu mùa là 550 đồng/kg, sau khi khấu trừ các khoản đầu tư, nông dân có thể lãi khoảng 1,6 triệu đồng/1.000m2. Mức lợi nhuận mặc dù không cao so với canh tác các loại cây màu khác khi vào thời điểm trúng giá nhưng nhiều nông dân lại phấn khởi vì khoản thu nhập này cao và ổn định hơn trồng lúa vụ hè thu rất nhiều.

Chị Nguyễn Thị Yến Phượng, một nông dân tham gia mô hình của xã Phú Ninh tâm sự: “So với việc trồng bắp lấy hạt như trước đây hay trồng lúa thì trồng bắp lấy thân là mô hình không tốn nhiều công sức chăm bón cũng như thu hoạch. Tuy nhiên, nếu lợi nhuận tăng lên một chút thì nông dân sẽ phấn khởi hơn rất nhiều. Bởi phần lớn bà con ở đây đều sở hữu diện tích đất canh tác ít ỏi”.

Phòng NN&PTNT huyện Tam Nông cho hay, trong mùa hè thu năm 2017, huyện chỉ triển khai thí điểm trồng 10ha bắp lấy thân. Sau khi kết thúc mùa vụ, huyện sẽ tổng kết đánh giá, nếu mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, người nông dân chấp nhận hình thức liên kết và tiêu thụ của doanh nghiệp thì địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình thêm 500ha ở các khu vực trồng lúa kém hiệu quả khác.

Hứa hẹn nhiều mô hình triển vọng

Theo kế hoạch của Huyện ủy và UBND huyện Tam Nông, trong năm 2017, huyện sẽ triển khai mô hình trồng thanh long ruột đỏ khoảng 30ha và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng lên 100ha ở khu vực vùng ven của Vườn Quốc gia Tràm Chim, thuộc địa phận xã Phú Đức. Là nơi quanh năm chỉ gắn liền với phát triển cây lúa thì việc chuyển đổi sang lĩnh vực trồng cây ăn trái được xem là ý tưởng táo bạo của lãnh đạo địa phương.


Thanh long ruột đỏ, một trong những cây trồng được huyện Tam Nông chọn chuyển đổi trong thời gian tới

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, nhiều năm nay khu vực canh tác ven Vườn Quốc gia Tràm Chim và tỉnh lộ ĐT 843 thường không mang lại hiệu quả. Năm nay, huyện chủ động mời các nhà khoa học ở Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu và tư vấn loại cây trồng phù hợp ở vùng đất này để địa phương tiến hành chuyển đổi. Sau nhiều lần lấy mẫu đất và nước, cây thanh long ruột đỏ được các nhà khoa học gợi ý cho huyện thực hiện chuyển đổi. Song song với việc nhờ nhà khoa học tư vấn cây trồng chuyển đổi cũng như kỹ thuật canh tác, địa phương tiến hành lập đoàn đi tìm hiểu thị trường tiêu thụ cho mặt hàng này. Hiện tại, đã có doanh nghiệp thu mua thanh long xuất khẩu đồng ý thực hiện liên kết thu mua mặt hàng này, vấn đề hiện nay là công tác triển khai sản xuất và tập huấn kỹ thuật cho người nông dân.

Được biết, để mô hình phát triển thuận lợi, địa phương đã rất nỗ lực trong việc hỗ trợ nguồn điện phục vụ tưới tiêu, tạo điều kiện cho nông dân về vay vốn sản xuất tại Ngân hàng NN&PTNT huyện.


Chuyển đổi trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Ảnh: M.LÝ

Ngoài các mô hình được địa phương triển khai thực hiện, những năm gần đây, một số nông dân ở xã Phú Đức cũng chủ động chuyển từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái ở các khu vực gò cao. Bước đầu một số loại cây ăn trái đã cho thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Là khu vực gò cao tự nhiên, gò Giồng Lâm Vò là khu vực địa hình đặc biệt, cao trung bình từ 1 – 1,5m so với vùng trồng lúa xung quanh. Do địa hình cao, chuột thường tập trung nên việc trồng lúa ở khu vực này hầu như không mang lại hiệu quả kinh tế. Từ thực tế đó, nhiều nông dân đã thử nghiệm trồng màu, cây ăn trái. Kết quả khoảng 7 – 8 năm trở lại đây, nhiều vườn xoài ở khu vực gò cao này đã cho thu hoạch, nông dân rất phấn khởi vì lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cần đầu tư đồng bộ

Bên cạnh những mặt thuận lợi thì việc chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa hiện vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại. Ngoài những mô hình được chính quyền địa phương xây dựng, còn lại hầu hết các mô hình chuyển đổi tự phát của người nông dân vẫn chưa thật sự bền vững. Hiện nay, hầu hết các mặt hàng hoa màu người nông dân vẫn chưa thể chủ động kết nối được với doanh nghiệp; chưa có hệ thống thủy lợi chủ động tưới cho cây trồng cạn; thị trường tiêu thụ chưa ổn định, khó dự báo, tạo tâm lý không an tâm đối với người sản xuất.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông chia sẻ: “Vấn đề quan trọng khi xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp mới hiện nay là phải tìm hiểu về thị trường và sau đó tiến hành tổ chức sản xuất. Hiện mô hình trồng bắp sinh khối, mô hình trồng thanh long ruột đỏ và các mô hình sau này thì huyện cũng thực hiện theo “công thức” này. Có như vậy thì chuỗi liên kết mới hình thành và phát triển bền vững, người nông dân mới yên tâm bám đồng, bám ruộng. Ngoài ra, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Thông qua những buổi tập huấn kỹ thuật của các mô hình, chúng tôi muốn người nông dân hiểu và nhận thức sâu sắc về việc cần thiết phải sản xuất nông sản sạch trong bối cảnh hiện nay. Khi có vùng nguyên liệu đủ lớn, sản phẩm chất lượng thì địa phương sẽ hỗ trợ nông dân việc xây dựng nhãn hiệu hay thương hiệu. Đây là câu chuyện dài cần có sự nỗ lực của chính quyền địa phương và phía người dân”.

UBND huyện Tam Nông thông tin, địa phương sẽ có những đầu tư hệ thống đê bao, thủy lợi nội đồng, lưới điện phù hợp cho các khu vực quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm canh tác.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn