Nhiều rủi ro từ việc xuống giống lúa thu đông ngoài quy hoạch

Cập nhật ngày: 12/06/2013 04:55:47

Hơn 2 tuần qua, hộ ông Trần Văn Thấm ở ấp 1, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự đã xuống giống lúa thu đông trên phần diện tích gần 1ha, mặc dù đây là diện tích không được làm lúa thu đông do không có hệ thống đê bao khép kín, bảo vệ lúa khi nước lũ tràn về.


Ông Nguyễn Văn Thấm đang cấy dặm lúa thu đông ngoài khu đê bao

Hiện toàn xã Thường Phước 1 có gần 2.000ha đất trồng lúa, vụ thu đông năm nay xã chỉ chủ trương sản xuất lúa thu đông với diện tích 110ha trong khu đê bao, số diện tích còn lại không được làm lúa thu đông. Thế nhưng, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương và ngành chức năng, hơn 350ha ngoài vùng đê bao, không đảm bảo an toàn đã được nông dân xuống giống.

Theo chu kỳ lũ hằng năm thì chưa đầy 3 tháng nửa, lũ sẽ tràn đồng, thế nhưng theo ghi nhận thực tế tại cánh đồng thuộc ấp 3, xã Thường Phước 1 đến ngày 5/6 vẫn còn một số diện tích chỉ mới bắt đầu xuống giống, như thế sẽ không kịp thời gian thu hoạch lúa khi nước lũ tràn về.

Ông Nguyễn Văn Lịch - Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự cho biết: "Sau vụ lúa hè thu, UBND đã ra thông báo tuyên truyền rộng rãi trên trạm truyền thanh của xã, đồng thời chỉ đạo các hợp tác xã kiên quyết thực hiện theo chủ trương của UBND là không cho xuống giống lúa vụ 3. Chủ trương đặt ra là vậy nhưng người dân cho rằng thời gian còn lại đến khi nước lên là trung tuần tháng 7, thấy đất trống bỏ thì uổng, nên xuống giống".

Theo kế hoạch năm nay, huyện chỉ chủ trương sản xuất lúa thu đông trên diện tích 6.500ha ở các xã cù lao Long Phú Thuận và khu đê bao 2.600ha ở hai xã Thường Thới Tiền, Thường Phước và một phần diện tích của xã Thường Phước 1. Đây là những diện tích có khu đê bao khép kín, đảm bảo an toàn khi nước lũ tràn về.

Theo tính toán của nhiều lão nông, bình quân chi phí cho mỗi ha lúa thu đông là 15 triệu đồng, như vậy với 350ha lúa thu đông xuống giống ngoài đê bao này, người dân xã Thường Phước 1 đang mạo hiểm đánh đổi hơn 5 tỷ đồng cho vụ lúa này.

Ông Nguyễn Văn Buôn - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hồng Ngự cho biết: "Chủ trương của huyện kiên quyết không cho người dân xuống giống, nhưng người dân xuống giống rồi nên UBND huyện chỉ đạo xã tiến hành lập biên bản từng hộ dân đã xuống giống, mọi thiệt hại về sau, lĩnh vực của ngành, Nhà nước không chịu trách nhiệm đối với phần diện tích xuống giống. Ngoài ra do việc xuống giống của người dân không đúng với lịch thời vụ nên dịch bệnh rất dễ lây lan, đặc biệt là bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá".

Hiện nay tình hình nước lũ về sớm hay muộn chưa được khẳng định, việc nông dân xuống giống lúa thu đông ngoài đê bao từ đây đến cuối vụ chưa biết được kết quả như thế nào, nhưng trước mắt các diện tích này, người dân phải tốn thêm rất nhiều chi phí sản xuất vì phải đối diện với nhiều loại dịch hại, sâu bệnh do không tuân thủ lịch thời vụ xuống giống.

Tân Hợp

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn