Nhiều triển vọng từ mô hình tích tụ ruộng đất

Cập nhật ngày: 23/03/2017 07:00:31

ĐTO - Thời gian qua, huyện Tam Nông xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới mang lại hiệu quả trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đối với ngành hàng lúa gạo. Trong đó, mô hình tích tụ ruộng đất, sản xuất lúa với quy mô lớn là một điển hình.


Cánh đồng nếp của Công ty Cổ phần Giống cây trồng - con nuôi Ninh Bình tại Hợp tác xã Phú Thọ C

Đến thăm cánh đồng của Công ty Cổ phần Giống cây trồng - con nuôi Ninh Bình thuê của nông dân tại Hợp tác xã (HTX) Phú Thọ C (xã Phú Thọ, huyện Tam Nông) vào những ngày sắp thu hoạch, những thửa ruộng quằn bông chín đỏ, dự báo đạt năng suất từ 7 - 7,5 tấn/ha. Với diện tích 148ha đất thuê, công ty sản xuất theo kỹ thuật giảm giá thành, đặc biệt là tuân thủ việc sản xuất theo hướng an toàn. Đại diện công ty cho biết, toàn bộ lúa làm ra sẽ được liên kết với HTX Tân Cường để sấy và bóc vỏ. Vụ tiếp theo sẽ thuê thêm đất để nâng diện tích từ 500 - 1.000ha. Theo ông Huỳnh Văn Đá - Giám đốc HTX Phú Thọ C, cây giống mà Công ty Cổ phần Giống cây trồng - con nuôi Ninh Bình sử dụng ở phần đất thuê của HTX Phú Thọ C được đánh giá là khá phù hợp. Bởi hầu hết diện tích được trồng đều thích nghi và phát triển tốt.

Hiện toàn huyện Tam Nông có 3 đơn vị đứng ra thuê đất để sản xuất lúa theo quy mô cánh đồng lớn với tổng diện tích 613ha. Trong đó, HTX Đức Huệ thuê 400ha tại xã Phú Đức, Phú Thọ và thị trấn Tràm Chim; Công ty Cổ phần Giống cây trồng - con nuôi Ninh Bình thuê 148ha tại xã Phú Thọ, HTX Tân Cường thuê 65ha tại xã Phú Cường. Trung bình giá mỗi ha đất các HTX và doanh nghiệp thuê của nông dân từ 25 - 30 triệu đồng/năm. Nhìn chung, sau 1 -2 vụ canh tác, các đơn vị thuê đất đều sản xuất có hiệu quả, sản lượng và chất lượng lúa an toàn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tuy nhiên, điều khó khăn với mô hình tích tụ ruộng đất hiện nay là chính sách hạn điền của Nhà nước còn hạn chế; các HTX, công ty chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi; việc áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, đặc biệt là trong khâu làm đất và gieo cấy. Ông Nguyễn Văn Trãi - Giám đốc HTX Tân Cường cho rằng: “Việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn có thuận lợi, nhưng cũng còn những khó khăn mà HTX và các ngành liên quan cần giải quyết. Đối với những hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, khó khăn nhất là việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng. Trong khi chúng ta đang sản xuất lúa an toàn, thì nhiều hộ thường phá vỡ các quy trình này. Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, chúng tôi đã tích cực vận động người dân cho HTX thuê đất sản xuất”.

Để giải quyết những khó khăn cũng như tạo thuận lợi cho các HTX và công ty, doanh nghiệp thực hiện tích tụ ruộng đất để sản xuất cánh đồng lớn, huyện Tam Nông cũng đã tiến hành nhiều giải pháp như: hỗ trợ các thủ tục hợp đồng thuê đất, vận động nông dân cho thuê đất... Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết: “Huyện Tam Nông có khó khăn là đường sá cách trở và khá xa các trung tâm lớn. Ý thức được việc đó nên UBND huyện chủ trương quyết tâm bù đắp những hạn chế này bằng tinh thần thân thiện, sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của chính quyền đối với tổ chức, cá nhân đến làm ăn tại địa bàn không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà trên tất cả các lĩnh vực khác. Riêng đối với chuỗi ngành hàng lúa gạo, thời gian qua, huyện đã hỗ trợ hết mình trong khuôn khổ quy định của pháp luật về mặt thủ tục, về tổ chức gặp gỡ, vận động nông dân cùng tham gia thực hiện”.

P.L - T.Long

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn