Tổ sản xuất lúa giống nông hộ của ông Lê Minh Đời

Cập nhật ngày: 05/10/2017 06:59:44

ĐTO - Trăn trở với hướng đổi mới nhằm giúp người dân thoát nghèo, ông Lê Minh Đời (SN 1962, ở ấp 2, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười) đã học hỏi, sản xuất và vận động người dân trong xã cùng sản xuất lúa giống chất lượng cao. Mô hình này đã góp phần tăng thu nhập cho nông dân nơi đây.

Được Hội Nông dân xã giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình ông Lê Minh Đời. Bước vào ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi của ông Đời, nghe anh Lê Văn Tranh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa nói: “Nhà này được ông Đời xây dựng từ khi làm lúa giống mà nên...” cũng làm tôi tò mò.


Ông Lê Minh Đời kiểm tra lúa để ghi nhật ký đồng ruộng

Làm lúa giống từ sự trăn trở

Mặc dù có hẹn với chúng tôi, nhưng do một số diện tích lúa chuẩn bị vào vụ sản xuất nên ông Đời phải cùng đội FF (lực lượng trên đồng) đi thăm đồng xem diện tích lúa nào chưa đạt yêu cầu để nhắc nhở bà con kịp thời chấn chỉnh. Hơn 30 phút sau, ông trở về với sổ sách trên tay ghi lại đầy đủ những ruộng đạt và chưa đạt. Mời chúng tôi tách trà, ông nói: Qua gần 20 vụ sản xuất, người dân cũng quen với việc canh tác giống. Tuy nhiên, để đảm bảo theo đúng yêu cầu của công ty, mình phải kiểm tra kỹ nhằm đảm bảo không giao sản phẩm kém chất lượng cho công ty mà cũng không gây khó khăn cho người dân.

Ông Đời vốn là một nông dân chính gốc ở vùng sông nước Đồng Tháp Mười. Cũng vì lẽ đó, ông lúc nào cũng ấp ủ một điều, đó là phải nghiên cứu, học hỏi được cách sản xuất mới để giúp người dân quê hương thoát nghèo trên mảnh ruộng của mình.

Theo ông Đời, ở quê ông, nông dân chủ yếu trồng lúa thịt. Tuy nhiên, sản xuất lúa thời gian qua cũng gặp nhiều rủi ro, dịch bệnh, đầu ra bấp bênh nên không mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, năm 2011, khi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười phát động phong trào sản xuất lúa giống nông hộ, ông đăng ký mở một lớp tại nhà, sau khóa học, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang (nay là Tập đoàn Lộc Trời) đến đặt vấn đề hợp tác sản xuất giống, thấy hiệu quả nên ông vận động người dân cùng sản xuất. Tuy nhiên, theo ông Đời, việc kêu gọi người dân tham gia sản xuất lúa giống cũng không dễ dàng dù lúc đó có công ty bao tiêu. Vụ hè thu năm 2011, chỉ có ông cùng vài hộ sản xuất với diện tích 12,5ha, bán với giá khá cao 7.200 đồng/kg, trừ chi phí mỗi ha, người dân còn lãi 6 triệu đồng/công lúa. Thấy lãi cao nên các hộ sản xuất đều khá phấn khởi...

Cùng bà con làm giàu từ lúa giống

Sau thành công từ vụ sản xuất đầu tiên, số người đến đăng ký tham gia sản xuất giống ngày càng nhiều nên ông Đời đã vận động thành lập Tổ sản xuất giống nông hộ để việc sản xuất được thực hiện đồng nhất và cung cấp sản phẩm với số lượng ổn định cho công ty. Được người dân ủng hộ, chính quyền địa phương chấp thuận, Tổ sản xuất giống nông hộ xã Mỹ Hòa ra đời với 12 thành viên, sản xuất trên 25ha, ông Đời làm tổ trưởng.

Mới đầu, việc sản xuất lúa giống của các thành viên trong tổ cũng gặp nhiều khó khăn do chưa quen với hình thức hợp tác, kỹ thuật canh tác còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự hướng dẫn tận tình của ông Đời và đội ngũ FF của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, dần dần các tổ viên thuần thục các quy trình nhân giống. Theo đó, để đáp ứng nhu cầu về lúa giống chất lượng theo quy định của công ty, thành viên phải thực hiện khâu chăm sóc lúa giống thật tốt, đặc biệt là khâu khử lẫn cho lúa. Bên cạnh đó, các khâu về gieo sạ, bón phân thuốc cũng được ông Đời và công ty kiểm soát chặt chẽ nên sản phẩm thu được đều đạt theo yêu cầu của công ty.

Hiện tại, tổ sản xuất giống nông hộ của ông Đời có 145 hộ tham gia với 300ha. Tổ sản xuất giống theo yêu cầu của doanh nghiệp theo từng vụ, đặc biệt có sự hỗ trợ 1.000 đồng/kg lúa cho nông dân. Ông Đời cho biết: “Trước khi vào vụ, Ban điều hành Tổ sản xuất họp các tổ viên, doanh nghiệp nhằm thống nhất sản lượng lúa giống cần cung cấp, loại giống và giá bán. Theo đó, tôi sẽ phân cho từng tổ viên phụ trách sản xuất từng loại giống mà doanh nghiệp yêu cầu. Trong quá trình sản xuất, Ban điều hành và đội ngũ FF thường xuyên kiểm tra, thăm đồng để hỗ trợ kịp thời về mặt kỹ thuật, đảm bảo lúa phát triển tốt và không lẫn tạp... Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho các tổ viên trong khâu canh tác, tôi cho thành lập 5 đội sản xuất gồm: đội gieo mạ, đội cấy giặm, đội phun xịt, đội khử lẫn, đội thu hoạch. Các đội này góp phần giảm áp lực canh tác cho các thành viên”.

Ông Đời tính toán, sản lượng lúa giống bình quân mỗi vụ của tổ đạt khoảng 2.500 tấn, bán theo giá thị trường và được công ty hỗ trợ 1.000 đồng/kg, đồng thời công ty hỗ trợ đầu tư phân, thuốc (bán với giá cấp 1) và tiền cấy, khử lẫn (3,5 triệu đồng/ha). Trừ tất cả chi phí mỗi ha người dân còn lãi trên 16 triệu đồng. Đặc biệt nông dân không còn lo đầu ra cho cây lúa, điều này tạo sự phấn khởi rất lớn cho người nông dân. Ông Đời cho biết, hướng tới, ông dự định sẽ bàn bạc với tổ viên tiến lên thành lập hợp tác xã để tổ viên có điều kiện tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững...

Ông Lê Văn Tranh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa cho biết, cái được lớn nhất của mô hình sản xuất giống nông hộ này là bà con đã biết tự liên kết, hợp tác sản xuất, chủ động được đầu vào ổn định cung cấp cho công ty. Thông qua đó, giải quyết được bài toán đầu ra cây lúa ổn định, giúp người dân yên tâm sản xuất. Tới đây, địa phương có hướng sẽ hỗ trợ Tổ sản xuất lúa giống nông hộ đi lên hợp tác xã đa dịch vụ sản xuất nông nghiệp nhằm giúp bà con có thêm điều kiện tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, địa phương cũng vận động nông dân thực hiện ban bờ mẫu nhằm thuận lợi trong việc cơ giới hóa trong sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí...

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn