“Điểm hẹn” lúc Biển Đông dậy sóng
Cập nhật ngày: 15/06/2014 07:35:50
Trong hành trình công du Bắc Mỹ (Mỹ và Canada), Thủ tướng Australia Tony Abbott đã có chuyến thăm xứ Cờ hoa đúng vào thời điểm nhạy cảm.
Thủ tướng Australia Tony Abbott (trái) và Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng, Washington (Mỹ) ngày 12-6.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Australia diễn ra ngày 12-6 giữa lúc căng thẳng đang gia tăng ở khu vực Châu Á, với việc Nhật Bản, Philippines và Việt Nam cùng lên án các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc tại biển Hoa Đông và Biển Đông.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh, Thủ tướng T.Abbott khẳng định Australia là "đồng minh không thể thiếu" của Mỹ; đồng thời bày tỏ ủng hộ nỗ lực của chính quyền Tổng thống Barack Obama trong chính sách xoay trục sang Châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, Tổng thống B.Obama đánh giá cao sự kiện Australia tăng ngân sách quốc phòng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn; đồng thời nhấn mạnh Washington và Canberra cần tăng cường hợp tác quốc phòng để "chung tay giúp duy trì trật tự và an ninh thế giới". Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Australia đều thống nhất: Tuân thủ luật pháp quốc tế là chìa khóa để giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Trước đó, tại Diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La năm 2014 diễn ra tại Singapore hồi đầu tháng 5, cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnson đều lên tiếng chỉ trích những hành vi đơn phương của Trung Quốc gây bất ổn tại khu vực. Và, trong chuyến thăm Mỹ đầu tiên của Thủ tướng T.Abbott kể từ khi nhậm chức hồi tháng 9-2013, dư luận rất quan tâm tới việc Australia làm thế nào để đối phó với Trung Quốc. Quan điểm của Australia rất dễ hiểu, ông T.Abbott muốn Mỹ tiếp tục dẫn đầu ở Châu Á với vai trò đã có trong nhiều thập kỷ. Cũng giống như hầu hết mọi người trên cả hai bờ Thái Bình Dương, ông hy vọng Trung Quốc sẽ thôi khiêu khích, cạnh tranh với vị thế của Mỹ. Không khó để nhận thấy, vấn đề Biển Đông ít nhiều ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của Australia. Những diễn biến mới nhất trên Biển Đông ở một cấp độ nào đó cũng là phép thử với Australia - một cường quốc tầm trung từ lâu mong muốn trở thành một thành viên của Châu Á. Sở hữu vị trí địa - chiến lược quan trọng bậc nhất ở Châu Đại Dương, nhưng Australia dường như khá biệt lập khi xung quanh chỉ là những quốc đảo nhỏ với dân số chỉ khoảng vài trăm đến vài chục nghìn người. Do đó, hướng về Châu Á đã trở thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Australia trong những năm gần đây. Thời điểm hiện tại rất thuận lợi cho Australia khi đồng minh truyền thống là Mỹ thực hiện chính sách xoay trục hướng về Châu Á - Thái Bình Dương.
Cùng với sự trở lại Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, Canberra đã tái khẳng định vai trò đồng minh chiến lược với Washington, còn Bắc Kinh chỉ đơn thuần là đối tác thương mại cho dù quan hệ này hiện trị giá hơn 100 tỷ USD. Chỉ mới gần đây (28-3), Mỹ và Australia đã ký kết chiến lược hợp tác quốc phòng mới nhất về triển khai máy bay do thám ở những vùng biển Châu Á từ quần đảo Cocos trên Ấn Độ Dương. Trước đó, theo thỏa thuận Mỹ và Australia đã ký kết (11-2011), Mỹ đã đưa 2.500 quân đến đồn trú tại Darwin để bảo vệ lợi ích của Mỹ ở Châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh vị trí chiến lược trên vành đai Thái Bình Dương, Australia đang khẳng định và củng cố vị trí của một đầu tàu cũng như một đối tác đáng tin cậy của khu vực. Với Mỹ, Australia hiện đang là trụ cột trong chiến lược chuyển trục của cường quốc số 1 khi muốn xây dựng một liên minh quốc phòng giữa các đồng minh tại Châu Á để duy trì vai trò đi đầu trong bảo đảm an ninh khu vực. Trong liên minh đó, Nhật Bản và Australia là hai mắt xích quan trọng. Nhật Bản xem ra đã sẵn sàng gánh vác trách nhiệm vì một Châu Á thịnh vượng và Canberra cần một khẳng định quyết tâm rõ ràng của Washington tại Châu Á. Do vậy, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Australia T.Abbott là cơ hội để Washington đưa ra những cam kết với một đồng minh truyền thống nhằm ứng xử với một Trung Quốc đang tung ra nhiều hành động hung hăng với không chỉ các nước trong khu vực mà còn với cả hệ thống Liên hợp quốc mà nước này là thành viên.
Lợi ích cốt lõi của Australia trong khu vực được củng cố thêm khi Caberra là đồng minh đáng tin cậy của Mỹ; ngược lại, Mỹ sẽ có thêm ảnh hưởng ở Châu Á - Thái Bình Dương nếu mối quan hệ Mỹ - Australia khẳng định và duy trì. Đây là chính "điểm hẹn" thành công trong hành trình Bắc Mỹ của nhà lãnh đạo Australia giữa lúc Biển Đông đang dậy sóng.
Thùy Dương/HNMO