"Trung Quốc đang xem thường Công ước về Luật Biển"

Cập nhật ngày: 09/01/2014 07:30:49

Đánh giá về việc Trung Quốc ra lệnh cho tàu cá nước ngoài phải xin phép chính quyền địa phương trước khi đánh bắt hoặc thăm dò cá tại 2/3 diện tích Biển Đông, nơi Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, các nhà phân tích cho rằng hành động này của Trung Quốc chắc chắn sẽ làm cho tranh chấp ở Biển Đông trở nên căng thẳng hơn.


Trung Quốc đã ra lệnh cho tàu cá nước ngoài phải xin phép chính quyền địa phương trước khi đánh bắt hoặc thăm dò cá tại 2/3 diện tích Biển Đông.(Ảnh minh họa: THX/ TTXVN)

Ông John Tkacik, một chuyên gia về Trung Quốc từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nói với đài TNHK: “Đây là một diễn tiến quan trọng, nhưng không phải là bất ngờ.”

Ông nói thêm rằng việc tuyên bố khu vực quản lý mới của tỉnh Hải Nam dường như là một phần chính sách của Trung Quốc nhằm siết chặt dần dần sự kiểm soát của họ trong khu vực.

Theo ông Tkacik, Bắc Kinh đang bước ra khỏi sự mơ hồ trước đây về qui chế pháp lý của “đường chín đoạn” để ban bố “một biện pháp cấp tỉnh” để thăm dò phản ứng của các nước khác.

Ông Tkacik cho biết các nước Đông Nam Á có thể thông qua Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển để thách thức vùng cấm đánh cá mới của Trung Quốc.

Ông này nói: “Với thông báo này, Trung Quốc rõ ràng là đang xem thường công ước của Liên hiệp quốc".

Theo quy định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 vốn được chính quyền tỉnh Hải Nam công bố vào cuối tháng 11/2013 này, tất cả các tàu đánh cá nước ngoài đi vào khu vực quản lý hành chính mới của Hải Nam phải có sự cho phép của giới hữu trách Trung Quốc.

Qui định mới còn nói rằng tàu nào vi phạm sẽ bị xua đuổi, cá tôm bắt được sẽ bị tịch thu và bị phạt với số tiền phạt lên tới 82.600 USD, trong một số trường hợp, tàu đánh cá có thể bị tịch thu và thủy thủ trên tàu sẽ bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc.

TTXVN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn