Bàn về Biển Đông tại giảng đường đại học Pháp
Cập nhật ngày: 30/05/2014 08:22:41
Ngày 29/5, tại Đại học sư phạm Lyon, Pháp đã diễn ra hội thảo: "Những thách thức từ căng thẳng Trung Quốc và Việt Nam".
Người Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc tại Pháp. (ảnh: Nhật Linh)
Va chạm trên Biển Đông là một vấn đề thời sự hiện hữu có liên quan nhiều đến châu Âu và Pháp, vì vậy cần đưa vào thảo luận như một chủ đề khoa học chính trị quan trọng trong các trường đại học. Đó là nhận định của các giáo sư Laurent Gédéon và Francois Guillemot - ban tổ chức hội thảo mang tựa đề "Những thách thức từ căng thẳng Trung Quốc và Việt Nam" vừa diễn ra trong trường Đại học sư phạm của Lyon, Pháp.
Viện Đông Á thuộc trường Đại học sư phạm Lyon (viết tắt là IAO) là đơn vị nhanh nhạy nhất khi triển khai cuộc hội thảo với chủ đề "Những thách thức từ căng thẳng Trung Quốc và Việt Nam", trực tiếp thảo luận những va chạm hiện nay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam xét trên nhiều khía cạnh. 5 diễn giả tại hội thảo gồm có 2 chuyên gia thuộc Viện Đông Á là Giáo sư Laurent Gédéon và Francois Guillemot ; cùng những chuyên gia người Pháp gần gũi với Việt Nam như đạo diễn phim "Hoàng Sa, nỗi đau mất mát" André Menras và Christophe Trần (Phó Chủ tịch Hội văn hóa người Việt tại vùng Rhône).
Theo Giáo sư Laurent Gédéon, việc đưa chủ đề thời sự về những va chạm trên biển Đông vào giảng đường đại học để thảo luận là rất cần thiết.
Ông Gédéon nói: "Câu chuyện chủ quyền Hoàng Sa thì không mới, bởi Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm của Việt Nam từ năm 1974. Nhưng sự xuất hiện của giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là điểm mới, xâu chuỗi với những hành động khác của Trung Quốc cho thấy chiến lược và tham vọng bá quyền của Bắc Kinh đối với các quốc gia có biên giới biển với họ. Đây là một vấn đề rất quan trọng, dù ở xa nước Pháp nhưng là một căng thẳng, một nguy cơ hiện hữu đối với an ninh, rồi an toàn của những tuyến đường biển quan trọng. Do đó, vấn đề này liên quan nhiều đến châu Âu và nước Pháp và cần phải chú ý nhiều hơn, quan tâm hơn."
Theo chuyên gia Francois Guillemot, thành viên chính ban tổ chức, thì ý tưởng xuất phát từ Hội văn hóa người Việt tại vùng Rhône và ngay lập tức được Viện Đông Á thuộc trường Đại học sư phạm Lyon ủng hộ triển khai. Chuyên gia Guillemot, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về Việt Nam tại vùng Rhône cho biết, dù là một hội thảo khoa học và vấn đề được bàn luận một cách khách quan, song cá nhân anh và nhiều người đều đứng về phía Việt Nam.
Chuyên gia Francois Guillemot nói: "Chúng tôi giữ một thái độ khách quan, nhưng rõ ràng Trung Quốc đã có những hành động gây hấn, tấn công trong một chiến lược bá quyền đối với chủ quyền lãnh thổ của nước láng giềng. Cần thảo luận, giải thích rộng rãi về chính sách của Trung Quốc để góp phần gây áp lực buộc họ không thể tiếp tục những hành động đó và phải tôn trọng luật pháp quốc tế.Trong cuộc khủng hoảng về nhiều khía cạnh ngoại giao, khu vực lẫn quốc tế này, Việt Nam cần vững vàng vượt lên. Và tiếp tục con đường đấu tranh thì việc tiến hành một hành động pháp lý là điều phải làm. Dù rằng đưa ra tòa án trọng tài về luật biển không phải việc dễ làm, nhưng Việt Nam cần phải đoàn kết với các quốc gia khác như Philippines, Indonesia thì mới phản đối thành công tham vọng của Trung Quốc."
Trong khuôn khổ hội thảo, các diễn giả và người tham dự đã cùng thảo luận nhiều khía cạnh, trong đó có nêu ra những giải pháp mà Việt Nam có thể triển khai.
Theo Giáo sư Laurent Gédéon thì có 3 biện pháp mà Việt Nam cần tiến hành đồng thời và mạnh mẽ: "Theo tôi, Việt Nam đã hoàn toàn có lý khi cố gắng duy trì sự có mặt của cảnh sát biển và ngư dân trên biển, bất chấp sự tấn công từ tàu của Trung Quốc. Bởi điều quan trọng là Việt Nam khẳng định rằng đây là vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế. Tôi nghĩ có 3 biện pháp mà Việt Nam cần tiếp hành cùng lúc. Thứ nhất vẫn là tìm kiếm giải pháp thương lượng ngoại giao và hòa bình. Thứ hai là việc cân nhắc tiến hành hành động pháp lý, theo đó, Việt Nam có thể kiện Trung Quốc lên Tòa án công lý quốc tế La Haye ; hay tòa án về luật biển hoặc ít ra cũng là tòa án trọng tài. Việt Nam cũng có thể tìm cách đưa vấn đề ra thảo luận tại Đại hội đồng LHQ, dĩ nhiên, để làm được như thế, Việt Nam phải có được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước thành viên LHQ. Và biện pháp thứ ba là Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy sự ủng hộ quốc tế đối với cuộc đấu tranh của Việt Nam, trong đó đặc biệt là các nước ASEAN. Bởi khả năng Trung Quốc không ủng hộ và phong tỏa các vụ kiện rất dễ xảy ra và khi đó, Việt Nam cần sự ủng hộ của các nước để phản đối thành công Trung Quốc.”
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia Pháp cho rằng một trong những việc cốt yếu là thống nhất và đoàn kết các nước ASEAN để có quan điểm chung đối với Trung Quốc trong tranh chấp trên biển Đông, chỉ có như thế mới tạo được áp lực đáng kể đối với Bắc Kinh. Các thành viên ban tổ chức cũng bày tỏ mong muốn hội thảo lần này chỉ là khởi đầu và sẽ sớm có nhiều hội thảo khoa học với quy mô lớn hơn tại các thành phố của Pháp, châu Âu và các quốc gia khác bàn về va chạm nguy hiểm trên biển Đông.
VOV