Các chuyên gia Pháp bác bỏ khả năng ông Arafat bị đầu độc
Cập nhật ngày: 04/12/2013 07:20:05
Theo báo cáo các nhà khoa học Pháp, “các phân tích không thể khẳng định ông Arafat chết vì bị đầu độc chất phóng xạ Polonium 210".
Ông Arafat đổ bệnh từ ngày 10/10/2004, được chuyển đến Pháp
chữa trị và qua đời tại đây sau đó 1 tháng, thọ 75 tuổi.
Ngày 3/12, kênh truyền hinh Arập Al Jazeera cho biết, các chuyên gia người Pháp vừa đưa ra một báo cáo bác bỏ kết luận cựu Tổng thống Palestine Yasser Arafat chết do bị đầu độc.
Báo cáo của các nhà khoa học Pháp nêu rõ, “các phân tích không thể khẳng định ông Arafat chết vì bị đầu độc chất phóng xạ polonium 210”. Báo cáo này trùng khớp với kết luận mà các chuyên gia Pháp đưa ra năm 2004 rằng cựu Tổng thống Yasser Arafat qua đời vì xuất huyết não và nhiễm trùng ruột.
Theo một báo cáo mang tính pháp lý mới đây của các điều tra viên người Pháp, ông Yasser Arafat chết vì nguyên nhân tự nhiên dù khẳng định có dấu vết phóng xạ polonium 210 trong quần áo của ông.
Những kết luận này của Pháp trái ngược với báo cáo mới nhất của các chuyên gia Thụy Sỹ rằng có khả năng chất phóng xạ polonium là nguyên nhân khiến ông Arafat tử vong. Trong bản báo cáo dài 108 trang được chuyển tới Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA) hôm 5/11, các nhà khoa học Thụy Sĩ cho biết họ đã phát hiện hàm lượng polonium cao gấp ít nhất 18 lần mức bình thường trong mẫu xương và tế bào lấy từ thi hài của ông Arafat.
Ngoài Pháp và Thụy Sỹ, chính quyền Palestine còn mời nhóm chuyên gia Nga xét nghiệm mẫu xương và tế báo lấy từ thi hài của cựu Tổng thống Arafat để điều tra nguyên nhân cái chết của ông. Tuy nhiên, đến nay nhóm chuyên gia Nga vẫn chưa đưa ra kết luận mang tính pháp lý cuối cùng.
Ông Arafat đổ bệnh từ ngày 10/10/2004, được chuyển đến Pháp chữa trị và qua đời tại đây sau đó 1 tháng, thọ 75 tuổi. Lúc đó các bác sỹ Pháp đã xét nghiệm nhưng không tìm thấy các chất độc thông thường, vì thế không thể lý giải nguyên nhân tử vong của ông Arafat. Mặc dù vậy lúc đó các bác sỹ Pháp đã không xét nghiệm dấu vết phóng xạ polonium.
The oVOV/ Aljazeera