Cựu viên chức lãnh sự Mỹ nhận tội 'bán' visa

Cập nhật ngày: 08/11/2013 07:50:45

Lời nhận tội của cựu viên chức ngoại giao Mỹ Michael T.Sestak đánh dấu một cột mốc quan trọng trong vụ buôn bán visa thuộc vào hàng lớn nhất lịch sử nước này.


Xếp hàng xin visa tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM - Ảnh: Trung Hiếu

Ông Sestak (42 tuổi), cựu Trưởng bộ phận visa không di dân tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM, đã nhận tội “bán” gần 500 visa vào Mỹ với giá hơn 3 triệu USD từ tháng 2 đến tháng 9.2012. Tại phiên tòa ở Washington D.C ngày 6.11, Sestak đã nhận tội hối lộ, rửa tiền và âm mưu lừa đảo. Những người xin cấp visa vào Mỹ đã phải hối lộ cho Sestak từ 15.000 - 70.000 USD. Đường dây gồm 5 đồng phạm gốc Việt khác của Sestak đã kiếm tổng cộng gần 10 triệu USD, theo cáo trạng.

Đồng phạm số 1 là Võ Tăng Bình (tên Mỹ là Binh Vo) đã bị bắt tại sân bay quốc tế Washington Dulles vào tháng 9. Hai đồng phạm gốc Việt khác trong vụ án là Hong Vo, em gái Bình, và Truc Tranh Huynh lần lượt bị bắt ở Mỹ vào tháng 5 và tháng 6.2013. Người vợ quốc tịch Việt Nam của Võ Tăng Bình là Nguyễn Thụy Anh Đào vẫn đang bị truy nã với vai trò đồng phạm số 2. Tại phiên tòa ngày 6.11, công tố viên Ronald C.Machen gọi hành vi của Sestak là làm “băng hoại tính liêm chính của quá trình sàng lọc du khách đến Mỹ” và ảnh hưởng đến “an ninh quốc gia”.

Sestak phục vụ tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM từ tháng 8.2010 đến tháng 9.2012. Tại đây, ông gặp Võ Tăng Bình, một công dân Mỹ gốc Việt sinh sống ở TP.HCM. Cả hai đã kết thân và sau đó vạch ra kế hoạch kiếm tiền từ việc “bán” visa.

Theo cáo trạng, Võ Tăng Bình thông báo danh tính những người đồng ý “mua” visa cho Sestak trước mỗi cuộc phỏng vấn và viên chức này sẽ chấp thuận đơn xin cấp visa của họ. Theo các nhà điều tra, kể từ ngày 1.5.2012 đến ngày 6.9.2012, Tổng lãnh sự quán Mỹ nhận 31.368 đơn xin cấp visa không di dân và tỷ lệ từ chối là 35,1%. Trong cùng thời kỳ, Sestak chỉ từ chối 8,2% trong tổng số 5.489 đơn qua tay ông.

Sestak đã chuyển số tiền thu được từ việc “bán” visa ra khỏi Việt Nam thông qua các ngân hàng nước ngoài, chủ yếu tại Trung Quốc, đến một tài khoản ngân hàng ở Thái Lan. Số tiền được sử dụng để mua bất động sản ở Phuket và Bangkok. Vào tháng 7.2012, một nguồn tin đã báo với các viên chức lãnh sự rằng có 50 đến 70 người từ một ngôi làng ở Việt Nam đã “mua” visa để đến Mỹ. Sau quá trình điều tra, nhà chức trách Mỹ đã âm thầm bắt Sestak tại Nam California vào tháng 5.

Trong thỏa thuận nhận tội, Sestak đã chấp nhận trả lại số tiền bất chính thu được từ hoạt động phạm pháp, gồm cả tiền bán 9 bất động sản tại Thái Lan. Hiện chưa rõ thời điểm tuyên án đối với Sestak nhưng theo luật pháp Mỹ, ông này đối mặt với bản án cao nhất là 24 năm tù.

Thanh Niên

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn