Iceland rút đơn xin gia nhập EU

Cập nhật ngày: 17/03/2015 08:56:21

Những ngày này, Iceland và dư luận châu Âu đang dậy sóng về việc Chính phủ Iceland quyết định rút đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Thực tế hồi năm 2009, Chính phủ Iceland đã đệ đơn xin gia nhập EU trong bối cảnh nước này lâm vào khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với EU luôn "giậm chân tại chỗ" do hai bên không thể đạt được sự đồng thuận về vấn đề hạn ngạch đánh bắt cá.


Người dân Iceland tập trung biểu tình trước tòa nhà Quốc hội đòi được trưng cầu dân ý về việc rút đơn xin ra nhập EU (Ảnh Reuters)

Do vậy, kể từ khi lên nắm chính quyền hồi tháng 4/2013, Chính phủ trung hữu tại Iceland đã ngừng các cuộc đàm phán gia nhập EU. Theo các cuộc thăm dò ý kiến gần đây, số người dân nước này phản đối việc gia nhập EU đang gia tăng.

Tuy vậy trong diễn biến mới nhất, khoảng 7.000 người đã tham gia biểu tình tại thủ đô Reykjavik để phản đối quyết định của Chính phủ khi rút đơn gia nhập EU. 

Chuyện đã được dự báo trước 

Việc rút đơn xin gia nhập EU của Iceland được chính phủ nước này chính thức thông báo ngày 12/3. Việc này dĩ nhiên gây ra những dư luận mạnh mẽ tại cả Iceland lẫn châu Âu. Tuy nhiên, vào thời điểm này đa số dư luận Iceland ủng hộ quyết định này của chính phủ đảng trung hữu.

Cần phải nhắc lại một chút lịch sử của câu chuyện này. Việc xin gia nhập EU của Iceland được thực hiện vào năm 2009, vào thời điểm mà nền kinh tế quốc gia này đang trải qua giai đoạn khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử. Đồng tiền couronne của nước này khi đó xuống đến mức thấp nhất, các ngân hàng Iceland phá sản hàng loạt và đất nước này đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Cuộc khủng hoảng đó tạo ra một làn sóng phản kháng xã hội, lật đổ chính phủ cánh hữu và lần đầu tiên đưa một đảng cánh tả lên nắm quyền ở Iceland. Ngay lập tức, đảng cánh tả cầm quyền đã xin gia nhập châu Âu vì coi đó là cái phao cứu sinh cho nền kinh tế nước này.

Tuy nhiên, đến năm 2013, liên minh các đảng trung hữu và đảng bảo thủ, những đảng vốn cực kỳ bài châu Âu, chiến thắng và quay lại nắm quyền. Các đảng này lập tức ngưng tiến trình đàm phán gia nhập EU và đến cách đây vài ngày, tuyên bố rút đơn xin gia nhập. Đây là thời điểm mà nền kinh tế Iceland đã vượt qua khủng hoảng và dân chúng Iceland đa phần ủng hộ quyết định này.

Được hay mất?

Đây là câu hỏi khó có thể trả lời chính xác bởi chúng ta chỉ phân tích dựa trên các giả thuyết. Tuy nhiên, điều rõ ràng nhất trong quyết định này của Iceland đó là ngành công nghiệp đánh cá, một trong những trụ cột kinh tế quan trọng nhất của Iceland, sẽ được hưởng lợi.

Trong những năm qua, Iceland và EU luôn bất đồng về vấn đề này, cụ thể là Iceland kiên quyết phản đối EU áp đặt hạn ngạch đánh bắt cá với nước này. Đây được gọi là “cuộc chiến cá thu” vì EU, với quan ngại về tình trạng trái đất nóng lên dẫn đến những hệ lụy sinh thái, muốn đặt ra một hạn ngạch cho Iceland.

Tuy nhiên, Iceland không những không muốn chấp hành mà còn tăng gấp nhiều lần sản lượng đánh bắt cá thu. Chẳng hạn năm 2010, nước này đánh bắt đến 130.000 tấn cá thu trong khi năm trước đó chỉ tầm 2.000 tấn.

Bên cạnh đó, chủ đề về bảo hộ nông nghiệp cũng khiến Iceland và EU bất đồng. Vì lí do đó, trong hơn 2 năm đàm phán về việc gia nhập EU, hai bên chỉ thống nhất được với nhau 11 điều khoản trong tổng số hơn 30 điều khoản.

Hiện tại, khi đã quyết từ bỏ ý định gia nhập EU, Iceland sẽ giữ được sự chủ động của mình trong việc đưa ra các quyết sách kinh tế.

Tuy nhiên, trên thực tế, dù chưa là thành viên EU, Iceland từ lâu cũng đã được hưởng lợi rất nhiều nhờ quan hệ chặt chẽ với khối này. Iceland là thành viên của Hiệp hội tự do thương mại châu Âu nên nhiều mặt hàng xuất khẩu của Iceland vào EU có thuế xuất bằng 0. Iceland cũng gia nhập Hiệp ước Schengen, giúp công dân nước này tự do di chuyển trong châu Âu.

Vì thế, ở thời điểm ngắn và trung hạn, đúng như lí lẽ của chính phủ Iceland, “lợi ích của nước này được đảm bảo tốt hơn khi đứng ngoài EU”. Tuy nhiên, về dài hạn thì vẫn có rủi ro. Nếu khủng hoảng quay lại, Iceland sẽ khó có thể một mình đứng vững như trước.

Quan điểm của người dân Iceland

Quyết định này được đa số dân Iceland ủng hộ bởi nó đảm bảo được lợi ích cao nhất của họ trong một số ngành nghề, đặc biệt là nghề cá, ngành kinh tế có sự tham gia, trực tiếp hay gián tiếp, của gần 3/4 dân chúng Iceland.

Trong lịch sử, các đảng nắm quyền ở Iceland cũng là các đảng có tư tưởng bài châu Âu và dân chúng Iceland, do đặc thù là một hòn đảo biệt lập của mình, cũng có tư tưởng tách biệt so với lục địa. Họ luôn cho rằng việc gia nhập EU có thể sẽ đe dọa bản sắc của đất nước họ.

Năm 2009, chỉ vì rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội tồi tệ chưa từng thấy, Iceland mới xin gia nhập EU còn về lâu dài, họ luôn có xu hướng độc lập.

Tất nhiên, Iceland cũng luôn hiểu rằng lợi ích của họ nằm ở mối quan hệ vô cùng chặt chẽ với EU, nên dù không phải là thành viên EU, họ cũng sẽ không từ bỏ các quan hệ hợp tác chặt chẽ này.

Ảnh hưởng đến EU

Việc Iceland rút đơn xin gia nhập EU không có tác động quá lớn đến khối này vì Iceland là một nền kinh tế tương đối khiêm tốn. Tác động tiêu cực chủ yếu đến từ khía cạnh tâm lý khi các thành viên có cảm giác rằng sức hút và các giá trị của EU đang bị suy giảm.

Tuy nhiên, đó là điều không thể tránh khỏi trong thời điểm này khi EU đã trải qua 6 năm khủng hoảng kinh tế sâu sắc. Thực ra, điều quan trọng nhất với EU vào lúc này, như nhiều chuyên gia phân tích, đó là việc củng cố nội bộ hiện tại, vực dậy các thành viên yếu kém, thậm chí là phải loại bỏ những nhân tố bất ổn.

Nói cách khác, EU đang cần làm mới bản thân mình hơn là tính đến việc mở rộng. Chắc chắn các chính sách về mở rộng khối của EU từ nay về sau sẽ có những thay đổi triệt để bởi những bài học như Hy Lạp đang khiến EU phải trả giá quá đắt.

Thùy Vân/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn