Khủng khoảng Ukraine: Từ biểu tình chống chính phủ đến Crimea ly khai

Cập nhật ngày: 17/03/2014 07:47:44

Vào ngày 16.3, khu tực trị Crimea công bố kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy 95,5% cử tri ủng hộ Crimea sáp nhập Nga. AFP điểm lại những cột mốc quan trọng trong cuộc khủng khoảng Ukraine: từ biểu tình chống chính phủ đến Crimea ly khai Ukraine.


Cảnh sát đụng độ người biểu tình chống chính phủ
 ở thủ đô Kiev ngày 22.1 - Ảnh: AFP

Tháng 12.2013:

1.11: Khoảng 500.000 người biểu tình chống chính phủ xuống đường ở khắp thủ đô Kiev đòi tiến hành bầu cử, rồi bắt đầu đóng đô, dựng lều trại, rào chắn tại Quảng trường Độc Lập (Kiev). Người biểu tình phản đối việc chính quyền Ukraine từ chối ký kết thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu.

Tháng 1.2014:

19-22.1: Hàng chục người bị thương trong những cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình sau khi chính quyền Ukraine áp dụng các luật chống biểu tình. Vào cuối tháng 1, số thương vong lên đến 4 người chết và trên 500 người bị thương.

Tháng 2.2014:
4.2:

Người biểu tình chống chính phủ đòi quay trở lại hiến pháp 2004, theo đó giới hạn các quyền của Tổng thống Ukraine.

18-20.2: Những vụ đụng độ đẫm máu nổ ra tại thủ đô Kiev, trong đó cảnh sát sử dụng đạn thật chống lại những người biểu tình chống chính phủ có trang bị vũ khí. Gần 90 người thiệt mạng, hầu hết là người biểu tình, đẩy số thương vong sau ba tháng biểu tình lên đến gần 100 người.

21.2: Đối diện với áp lực từ nhiều phía, Tổng thống Ukraine Victor Yanukovych và các lãnh đạo đối lập chấp thuận tổ chức bầu cử sớm.

22.2: Quốc hội Ukraine bỏ phiếu phế truất ông Yanukovych. Ông Yanukovych rời khỏi Kiev và sau đó đến Nga. Bầu cử Tổng thống Ukraine được ấn định vào ngày 25.5 tới. Cựu thủ tướng Yulia Tymoshenko được trả tự do.

23.2: Quốc hội Ukraine đề cử đồng minh của bà Tymoshenko là ông Oleksandr Turchynov làm Tổng thống Ukraine lâm thời.

26.2: Nga bác bỏ việc ông Turchynov trở thành Tổng thống Ukraine lâm thời và đặt lực lượng vũ trang Nga trong tình trạng báo động cao nhất. Người biểu tình thân Nga đụng độ với người ủng hộ chính quyền lâm thời Ukraine (thân phương Tây) tại thành phố Simferopol của Crimea, nơi tập trung nhiều người nói tiếng Nga.

27.2: Những binh sĩ trong quân phục không phù hiệu, được cho là quân Nga, chiếm các tòa nhà chính quyền Crimea tại thành phố Simferopol và treo cờ lên đó.

28.2: Bộ Nội vụ Ukraine lên án lực lượng Nga “xâm lược vũ trang”, kiểm soát Crimea.

Tháng 3.2014:

4.3: Tổng thống Nga Vladimir Putin bác bỏ thông tin cho rằng Nga đưa lính đến Crimea.

6.3: Các quan chức thân Nga ở Crimea thông qua sắc lệnh ủng hộ sáp nhập Nga và lên kế hoạch tiến hành cuộc trưng cầu dân ý ngày 16.3 về việc Crimea ly khai Ukraine, sáp nhập Nga. Mỹ lập tức áp dụng lệnh cấm đi lại đối với một số người Nga và Ukraine bị tố cáo gây bất ổn Ukraine.

11.3: Chính quyền khu tự trị Crimea thông qua “tuyên ngôn độc lập”.

12.3: Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ukraine lâm thời Arseniy Yatsenyuk tại Nhà Trắng.

13.3: Ukraine ra lệnh tổng động viên, đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo Nga sẽ phải trả giá cho những hành động can thiệp quân sự vào Ukraine và sẽ gánh chịu nhiều thiệt hại lớn và lâu dài về mặt kinh tế và chính trị.

14.3: Sau 6 giờ hội đàm, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov không đạt được thỏa thuận gì nhằm chấm dứt tình hình khủng khoảng Ukraine.

15.3: Ukraine tố Nga xâm lược Ukraine, cho rằng có 22.000 lính Nga ở Crimea, đồng thời tuyên bố sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết nhằm đáp lại các hành động “xâm lược” của Nga. Nga bỏ phiếu chống cho một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, theo đó lên án cuộc trưng cầu dân ý ngày 16.3 ở Crimea. Còn Trung Quốc bỏ phiếu trắng.

16.3: Cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea kết thúc với kết quả sơ bộ là 95,5% cử tri ủng hộ Crimea ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga.

Phúc Duy/TNO

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn