Lệnh ngừng bắn ở Ukraine liệu có vững bền?

Cập nhật ngày: 07/09/2014 08:47:35

Người dân Ukraine vẫn còn hoài nghi lệnh ngừng bắn có thể kéo dài bao lâu và nó có đủ làm cơ sở cho một nền hòa bình bền vững.


Quân nhân Ukraine (ảnh: Reuters)

Hai ngày trước, chính quyền Ukraine và phe đối lập đạt một thỏa thuận ngừng bắn ở miền đông, bắt đầu từ 18h chiều ngày 5/9 (giờ địa phương). Đây là bước đi đầu tiên để chấm dứt giao tranh tại miền Đông Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 6/9 cũng đã nhất trí duy trì lệnh ngừng bắn này tại miền Đông Ukraine. Lãnh đạo hai nước cũng đồng thời khẳng định tiếp tục thúc đẩy các bước đi cần thiết nhằm đảm bảo tính bền vững của lệnh ngừng bắn. Lệnh ngừng bắn mang lại nhiều tín hiệu tốt ban đầu song dư luận còn đặt nhiều nghi vấn do những phản ứng dè dặt từ các nước phương Tây và phe đối lập Ukraine.

Cư dân địa phương và giới quan sát vẫn còn hoài nghi không biết lệnh ngừng bắn có thể kéo dài bao lâu hoặc nó có đủ làm cơ sở cho một nền hòa bình bền vững. Chỉ vài phút sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, người ta nghe thấy 3 vụ nổ ở phía bắc Donetsk, tiếp theo là tiếng súng cối, tiếng đạn pháo. Hy vọng về lệnh ngừng bắn cũng bị phủ bóng đen bởi phương Tây nghi ngờ thiện chí của Nga, cho rằng, Tổng thống Putin ủng hộ và giúp đạt được lệnh ngừng bắn nhằm tránh các lệnh trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU).

Liên minh châu Âu tuyên bố vẫn thực thi các lệnh cấm vận mới ngay vào ngày 8/9, trong đó nhắm đến nhiều cá nhân với các lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản cũng như thắt chặt các con đường tiếp cận với thị trường vốn của các công ty dầu khí và quốc phòng Nga.

Thủ tướng Anh David Cameroon nói: “Chúng tôi muốn làm rõ rằng, các lệnh trừng phat nhằm vào Nga được nhất trí tại Brussel tuần trước sẽ vẫn được thực hiện và có hiệu lực. Nhưng nếu lệnh ngừng bắn và kế hoạch hòa bình được thực thi, tuân thủ thì dĩ nhiên, chúng tôi sẽ xem xét khả năng bãi bỏ các lệnh cấm vận”.

NATO vẫn duy trì lệnh cấm vận áp đặt lên Nga “cho đến khi có một kế hoạch hòa bình trọn vẹn”. NATO thông báo thành lập một lực lượng mũi nhọn phản ứng nhanh để ứng phó các “tình huống bất ngờ ở Đông Âu”. Giới quan sát đánh giá quyết định này chủ yếu nhằm vào Nga cũng như để trấn an các đồng minh như Ba Lan hay Estonia. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo liên quan tới số phận chính trị của khu vực miền đông Ukraine và các cáo buộc “xâm lược” nhằm vào Nga.

Ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn được công bố, đại diện phe nổi dậy Igor Plotnitsky tuyên bố lệnh ngừng bắn không thay đổi mục tiêu tách khỏi Ukraine của phe đối lập. Trước các luồng dư luận trái chiều, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki- moon hy vọng vào sự thành công của lệnh ngừng bắn nếu có cơ chế giám sát toàn diện.

Trần Nga/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn