Liên bang Nga rút khỏi thỏa thuận hợp tác hạt nhân với châu Âu
Cập nhật ngày: 29/12/2024 05:10:02
Thỏa thuận hợp tác hạt nhân có sự tham gia của Bỉ, Đan Mạch, Liên minh châu Âu (EU), Phần Lan, Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Anh, cũng như Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu (EURATOM) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD).
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hãng thông tấn nhà nước Liên bang Nga TASS ngày 28/12 cho biết, Tổng thống nước này, ông Vladimir Putin đã ký luật hủy bỏ Thỏa thuận Khung và Nghị định thư về Chương trình môi trường hạt nhân đa phương tại Liên bang Nga (MNEPR).
Thỏa thuận MNEPR được ký tại Stockholm (Thụy Điển) vào ngày 21/5/2003 và có hiệu lực từ ngày 14/4/2004.
Mặc dù thỏa thuận đã tạo điều kiện thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm phóng xạ ở khu vực tây bắc Liên bang Nga, nhưng theo các tài liệu đi kèm từ Bộ Ngoại giao Liên bang Nga, “sự hợp tác trong khuôn khổ thỏa thuận này thực tế đã bị đình chỉ từ năm 2015 - 2017”.
Thỏa thuận MNEPR cũng bao gồm sự tham gia của các quốc gia Bỉ, Đan Mạch, Liên minh châu Âu (EU), Phần Lan, Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Anh, cũng như Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu (EURATOM) và Ngân hàng Tái thiết, Phát triển châu Âu (EBRD).
Các dự án trong khuôn khổ thỏa thuận MNEPR được tài trợ bởi quỹ Northern Dimension do EBRD quản lý.
Theo thỏa thuận, bất kỳ bên nào cũng có thể rút khỏi bằng cách gửi thông báo chấm dứt bằng văn bản tới ít nhất một bên lưu chiểu: Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga hoặc Tổng Thư ký của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Nguồn TTXVN/NDO