Tại cuộc họp báo ngày 23/4, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết, theo tuyên bố của Trung tâm điều phối chung (JACC) tại Perth, Australia, trong ngày 23/4 có 10 máy bay quân sự và 12 tàu tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
Bộ trưởng Quốc phòng kiêm quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia
Hishammuddin Hussein tại cuộc họp báo. (Ảnh: Chí Giáp/Vietnam+)
Vẫn chưa có manh mối về MH370Ông Hussein cho biết, Cơ quan An toàn Hàng hải Australia lên kế hoạch tìm kiếm trực quan trên một diện tích khoảng 37.948km2. Trọng tâm của khu vực tìm kiếm cách Perth khoảng 1.584km về phía Tây Bắc. Tuy nhiên, kế hoạch tìm kiếm bằng máy bay đã phải hủy bỏ do thời tiết xấu tại khu vực tìm kiếm.
Trước khi có lệnh hoãn, ba máy bay đã xuất phát và sau đó đã được yêu cầu quay trở lại trong khi 12 tàu vẫn triển khai tìm kiếm theo kế hoạch.
Thiết bị tự hành dưới nước (AUV) Bluefin-21 đang hoàn thành nhiệm vụ tìm kiếm dưới nước trong lần hạ thủy thứ 10. Bluefin-21 đã hoàn thành việc quét, chụp ảnh hơn 80% diện tích trọng tâm khu vực tìm kiếm dưới nước.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất cứ manh mối nào được phát hiện cho thấy có liên quan đến MH370.
Khu vực trọng tâm tìm kiếm dưới nước được xác định trong phạm vi bán kính 10km xung quanh khu vực phát hiện tiếng "ping" thứ hai hôm 8/4.
Về việc thành lập Đội điều tra quốc tế, ông Hishammuddin cho biết Chính phủ Malaysia đã nhất trí thông qua việc thành lập Đội điều tra quốc tế để điều tra chi tiết về vụ mất tích của chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS).
Bộ Giao thông Malaysia được giao nhiệm vụ là cơ quan dự thảo những điều khoản tham chiếu đối với đội điều tra này.
Ông Hussein cũng cho biết, như đã thông báo, một tiểu ban do Thứ trưởng Bộ Giao thông Aziz Kaprawi đứng đầu, cũng được giao nhiệm vụ phối hợp trong việc thành lập Đội điều tra quốc tế.
Theo ông Hussein, Malaysia là một quốc gia thành viên của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), vì thế Malaysia sẽ tuân thủ theo các tiêu chuẩn và các thông lệ của tổ chức này.
Mục đích chính của Đội điều tra quốc tế này là đánh giá, điều tra và đưa ra quyết định về nguyên nhân thực sự của tai nạn này để những sự việc tương tự sẽ không xảy ra trong tương lai.
Ông Hussein cũng nhấn mạnh rằng đội điều tra này không nhằm vào khía cạnh tội phạm vì điều này thuộc phạm vi của Cảnh sát Hoàng gia Malaysia.
Đội điều tra này sẽ tiến hành điều tra theo quy định của tổ chức ICAO Quy chế năm 1966 và những tiêu chuẩn theo Phụ chương 13 về tai nạn máy bay và công tác điều tra, Công ước Chicago yêu cầu mỗi quốc gia điều tra tai nạn hàng không một cách độc lập.
Đội điều tra quốc tế này sẽ gồm ba nhóm, nhóm 1 chuyên về điều kiện bay, nhằm xem xét những vấn đề liên quan đến việc bảo dưỡng định kỳ, kết cấu và hệ thống; nhóm 2 chuyên về vận hành, nhằm xem xét, kiểm tra những ghi âm về chuyến bay, vận hành cũng như vấn đề khí tượng; nhóm 3 chuyên về nhân tố con người và y khoa, nhằm điều tra những vấn đề như tâm lý học, bệnh lý và những nhân tố về sự sống sót.
Malaysia đang xem xét việc bổ nhiệm một số chuyên gia từ các nước ASEAN khác phù hợp với Bản ghi nhớ của ASEAN về Hợp tác liên quan đến tai nạn hàng không và công tác điều tra được ký năm 2008. Các thành viên của Đội điều tra này sẽ được công bố trong tuần tới.
Tình hình máy bay MH192Tại cuộc họp báo này, ông Hussein cũng cập nhật tình hình liên quan chiếc máy bay MH192 đi Bangalore, Ấn Độ, đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Kuala Lumpur rạng sáng ngày 21/4.
Ông cho biết chiếc máy bay đã rời sân bay KLIA hồi 22 giờ 20 phút ngày 20/4, chở theo 159 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn. Phi hành đoàn đã báo cáo họ cảm thấy máy bay bị rung mạnh.
Trong khi đó, hồi 22 giờ 22 phút cùng ngày, chiếc máy bay MH2626 xếp hàng chuẩn bị cất cánh đã thông báo nhìn thấy các mảnh vỡ của lốp máy bay trên đường băng.
Sau đó, Trung tâm kiểm soát không lưu (ATC) tại Subang nhận được thông báo từ MH192 rằng lốp xe của máy bay đã bị nổ.
Trung tâm kiểm soát lưu không tại sân bay KLIA đã thông báo với Trung tâm kiểm soát vận hành sân bay của Công ty Malaysia Airports Holding Berhad (cơ quan điều hành hoạt động sân bay) để chuyển tiếp các tin nhắn đến Trung tâm kiểm soát hoạt động của hãng Malaysia Airlines (MAS OCC) và tới cơ trưởng của MH192.
Ngay sau đó, MH192 đã quay trở sân bay KLIA. Hồi 23 giờ 32 phút, máy bay MH192 đã bay thấp trên đường băng theo chỉ dẫn của (MAS OCC) và tiếp tục giữ ở độ bay thấp cho đến 1 giờ 20 phút sáng 21/4.
Hồi 1 giờ 31 phút, máy bay tiếp cận sân bay KLIA và bay ở độ bay thấp qua đường băng dưới sự giám sát của đại diện MAS OCC và đã hạ cánh an toàn vào 1 giờ 57 phút trên đường băng 32 L.
Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, bánh xe chính số 3 bị nổ trong thời gian cất cánh. Hiện máy bay MH192 đã được đưa đến cơ sở kỹ thuật của MAS tại KLIA để sửa chữa.
Công tác điều tra sự cố của MH192 vẫn đang được tiếp tục.