Mỹ tặng Pháp 2 quả bom hạt nhân dùng cho trận Điện Biên Phủ?

Cập nhật ngày: 06/05/2014 06:03:26

Sử gia phương Tây đánh giá cao ý nghĩa trận chiến này và bàn về câu chuyện Mỹ định trao vũ khí hạt nhân cho Pháp.


Lính Pháp tác chiến tại Điện Biên (ảnh: AP)

Đúng vào dịp này 60 năm về trước, quân Pháp đã bị lực lượng Việt Minh đánh bại hoàn toàn ở lòng chảo Điện Biên Phủ. Sử gia Anh quốc Julian Jackson giải thích, đây là một bước ngoặt trong lịch sử của cả hai quốc gia. Vẫn theo ông Jackson, trong không khí Chiến tranh Lạnh thời đó, đây là một trận đánh mà một số nhân vật ở Mỹ đã tính đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Một nhà ngoại giao cấp cao của Pháp nhớ Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles đã hỏi Ngoại trưởng Pháp Georges Bidault vào tháng 4/1954 như thế này: “Các ngài có muốn sở hữu hai trái bom nguyên tử không?”

Bối cảnh của đề nghị đặc biệt này là cảnh ngộ bi đát của quân đội Pháp đang chiến đấu chống lại các lực lượng yêu nước do Hồ Chí Minh lãnh đạo ở thung lũng Điện Biện thuộc vùng núi tây bắc Việt Nam.

Ngày nay trận chiến Điện Biên Phủ có vẻ ít nổi bật hơn so với sự dính líu của người Mỹ vào tình hình Việt Nam trong những năm 1960. Nhưng trong 8 năm từ 1946-1954, người Pháp đã vật lộn trong cuộc chiến đẫm máu của họ để cố giữ lấy Đế chế Pháp ở vùng Viễn Đông. Sau khi những người cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền ở Trung Hoa đại lục vào năm 1949 thì người Mỹ gánh lấy đa phần chiến phí của người Pháp, tuy nhiên, chiến đấu trực tiếp trên chiến trường vẫn là binh lính Pháp.

Bế tắc ngay từ đầu

Cuối năm 1953, Tổng tư lệnh quân Pháp tướng Navarre đã quyết định lập một tập đoàn cứ điểm ở lòng chảo Điện Biên Phủ thuộc vùng núi cách Hà Nội 300km. Xung quanh thung lũng này là nhiều dãy đồi núi với cây cối rậm rạp.

Vị trí này có thể phòng thủ được nếu người Pháp có thể bám chắc các đồi bên trong và liên tục được tiếp tế qua đường hàng không. Tuy nhiên, người Pháp đã đánh giá thấp năng lực của người Việt trong việc tập trung pháo binh sau các dãy đồi. Các cỗ trọng pháo đã được hàng chục ngàn người, bao gồm cả dân công, vận chuyển thủ công qua hàng trăm kilomet rừng rậm nhiệt đới.

Đến ngày 13/3 quân Việt Nam đã tung ra một trận mưa đạn pháo – trong vòng 2 ngày họ đã chiếm được 2 quả đồi của tập đoàn cứ điểm và vô hiệu hóa sân bay của Pháp ở đây. Khi này lực lượng Pháp phòng thủ đã bị cô lập và chiếc thòng lọng cứ siết dần quanh cổ họ. Chính tình hình nguy ngập lúc này đã thôi thúc Pháp cầu cứu người Mỹ.

Các nhân vật diều hâu nhất bên phía Mỹ khi ấy là Phó Tổng thống Richard Nixon, và Đô đốc Radford, Chủ tịch Hội đồng Tham nưu trưởng quân đội Mỹ. Một người không kém phần diều hâu là Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles – ông này ám ảnh về một cuộc thập tự chinh chống lại chủ nghĩa cộng sản. Còn Tổng thống Mỹ Eisenhower thì có phần dè dặt hơn. Tuy nhiên, ông Eisenhower vẫn tổ chức một cuộc họp báo vào đầu tháng 4/1954, trong đó ông ta công bố “học thuyết domino” khét tiếng của mình – học thuyết đề cập đến sự “lây lan” của phong trào XHCN từ nước này sang nước khác.

Ngày 3/4/1954 đã đi vào lịch sử Mỹ như là ngày mà người Mỹ quyết định sẽ không tham chiến. Vào ngày đó, Ngoại trưởng Dulles gặp gỡ các lãnh đạo bên Quốc hội Mỹ - những người này nhất quyết không ủng hộ can thiệp quân sự trừ phi nước Anh cũng tham gia. Ông Eisenhower đã gửi thư cho Thủ tướng Anh Winston Churchill cảnh báo hậu quả đối với phương Tây nếu Điện Biên Phủ thất thủ. Cũng vào tầm này, trong 1 cuộc họp ở Paris, ông Dulles được cho là đưa là lời đề nghị đầy kinh ngạc là tặng cho Pháp một số quả bom hạt nhân cấp chiến thuật.

Pháp hiểu sai ý của Ngoại trưởng Mỹ?

Trên thực tế, Ngoại trưởng Dulles không bao giờ được phép đưa ra những lời đề nghị như vậy và ít có bằng chứng khẳng định ông ta đã nói vậy. Có thể là trong những ngày nước sôi lửa bỏng đó, người Pháp đang hoảng loạn về thế thua ở Điện Biên Phủ và đã hiểu nhầm ý của Dulles. Hoặc có khả năng câu nói của Dulles đã bị dịch sai.

“Ông ta không thực sự đề nghị như vậy. Ông chỉ đưa ra một gợi ý và đặt một câu hỏi. Ông đã bật ra hai từ chết người ‘bom hạt nhân’” - Maurice Schumann, một cựu Ngoại trưởng khác của Pháp đã nói vậy trước khi qua đời vào năm 1998. “Ông Bidault (Ngoại trưởng Pháp năm 1954) lập tức phản ứng như thể ông không coi trọng đề xuất đó”.

Theo Giáo sư Fred Logevall thuộc Đại học Cornell, ông Dulles “ít nhất đã nói về khả năng dùng [bom hạt nhân] theo lối chung chung, tức là người Pháp nghĩ sao về khả năng sử dụng 2 hoặc 3 quả bom hạt nhân chiến thuật để đánh vào các vị trí của đối phương”.

Giáo sư Logevall nói, ông Bidault khước từ “bởi vì ông ta ý thức được… nếu mà bom hạt nhân tiêu diệt được nhiều lính Việt Minh thì cũng sẽ hủy diệt luôn cả tập đoàn cứ điểm”.

Cuối cùng chẳng có sự can thiệp nào của người Mỹ cả vì người Anh đã từ chối “nhúng tay” vào.

Những ngày cuối cùng của trận Điện Biên Phủ quả là địa ngục cho lính Pháp. Đất biến thành bùn do mưa nhiệt đới gió mùa. Lính Pháp bám lấy các hố bom và rãnh hào trong tình cảnh làm người ta nhớ lại trận Verdon năm 1916. Rốt cuộc vào ngày 7/5/1954, sau một cuộc vây lấn kéo dài 56 ngày của Việt Minh, quân đội Pháp đã phải đầu hàng. Tổng cộng phía Pháp có 1.142 người chết, 1.606 người mất tích, 4.500 người bị thương nặng.

Trong lịch sử phi thực dân hóa, đây là lần đầu tiên một quân đội châu Âu nhà nghề đã bị đánh bại hoàn toàn trong một trận chiến quy ước tại một địa điểm đã được lựa chọn trước. Nó đánh dấu sự kết thúc của Đế chế Pháp ở Viễn Đông và truyền cảm hứng cho các chiến binh chống thực dân ở những nơi khác trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà vài tuần sau đó, một cuộc bạo động dữ dội đã nổ ra ở nước Algeria thuộc Pháp – từ đây mở ra một cuộc chiến tranh khốc liệt khác kéo dài 8 năm. Khi ấy quân Pháp đã gắng hết sức mình để lấy lại thể diện đã mất trước đó trong trận Điện Biên Phủ.

Cũng từ năm 1954 nước Pháp bắt đầu dự án phát triển kho vũ khí hạt nhân răn đe của riêng mình.

Nhưng đối với người Việt Nam, đây mới chỉ là “hiệp 1”. Người Mỹ sau khi từ chối can thiệp trực tiếp vào năm 1954 đã dần dần cuốn vào cuộc chiến tranh ở đây vào những năm 1960.

Theo VOV/BBC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn