Trung Quốc dẫn độ nghi phạm tham nhũng về nước

Cập nhật ngày: 29/08/2014 04:38:46

Ngày 28-8, Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo 2 quan chức cấp cao thuộc Đảng bộ tỉnh Sơn Tây đã bị tước bỏ mọi chức vụ vì bị nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật. Đây là cụm từ thường được dùng để ám chỉ tội tham nhũng, nhận hối lộ. Trong khi chính quyền Trung Quốc liên tục điều tra, bắt giữ hàng loạt quan chức đứng đầu các ngành chủ lực của nền kinh tế nước này, nhiều nhân vật đã và đang tìm đường trốn sang nước ngoài.


Lai Changxing được đưa về Trung Quốc sau khi bị Canada trục xuất. Ảnh: Reuters

Tuồn 129 tỷ USD ra nước ngoài

Hai quan chức trên là Trần Xuyên Bình, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên (thủ phủ tỉnh Sơn Tây) và Nhiếp Xuân Ngọc, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Sơn Tây. Trước đó, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn khoáng sản quốc doanh China Resources Power (CRP) Vương Ngọc Quân và Trương Tân Minh, ông trùm ngành than ở Sơn Tây, cũng bị bắt giữ để điều tra tham nhũng. Trương Tân Minh từng là doanh nhân giàu nhất Sơn Tây với trị giá tài sản ước tính 4 tỷ NDT. Mới đây, Tòa án Nhân dân Trung cấp số 2 TP Bắc Kinh đã tuyên phạt tử hình đối với nguyên Cục trưởng Cục Đường sắt Côn Minh Văn Thanh Lương với tội danh nhận hối lộ.

Theo Beijing Youth Daily, trong cuộc họp diễn ra giữa tháng này, Nhóm đặc trách về chống tham nhũng (ACT) thuộc Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cho biết sẽ thông báo với Chính phủ Trung Quốc khi có bất cứ quan chức nào của nước này tìm cách bỏ trốn sang nước ngoài, đồng thời sẽ giúp giữ những đối tượng trên lại. ACT cũng cho biết sẽ hỗ trợ chính quyền Trung Quốc đóng băng những tài sản bất hợp pháp của những nghi phạm. Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, khoảng 16.000-18.000 quan chức tham nhũng từ các doanh nghiệp nhà nước đã chạy trốn thành công ra nước ngoài với số tài sản mang theo là 129 tỷ USD trong năm 2011.

Vẫn còn lọt lưới

Theo tổ chức Global Financial Integrity có trụ sở tại Washington, Mỹ, trong giai đoạn năm 2005 - 2011, có đến 2.830 tỷ USD tiền bẩn đến từ Trung Quốc đã đổ vào Mỹ. Tân Hoa xã dẫn số liệu của Chính phủ Trung Quốc từ năm 2008 đến nay, nước này đã dẫn độ 730 nghi phạm tham nhũng, nhận hối lệ về nước. Nhiều trường hợp trong số đó không thuộc diện dẫn độ với quốc gia đã có hiệp ước dẫn độ mà phải thông qua quá trình đàm phán phức tạp. Năm 2011, Lai Changxing, đối tượng bị truy nã gắt gao ở Trung Quốc đã bị bác đơn xin tị nạn ở Canada và bị chính quyền nước này trục xuất và lãnh án tù chung thân sau đó.

Bộ Công an Trung Quốc cho biết suốt 10 năm qua, chỉ có 2 công dân Trung Quốc được cơ quan chức năng nước này dẫn giải từ Mỹ để bị xét xử. Một trường hợp được xem là án tham nhũng lớn mà chính quyền Trung Quốc chưa giải quyết được là vụ của bà Yang Xiuzhu. Năm 2003, ở vị trí Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Chiết Giang, bà Yang đã mang theo một số người thân đến Singapore, đổi tên rồi bay đến New York, Mỹ. Trung Quốc khi ấy đã gửi lệnh truy nã đến Interpol và cuối cùng bà bị bắt ở Amsterdam, Hà Lan vào năm 2005. Đến nay, cơ quan chức năng Trung Quốc vẫn chưa dẫn giải bà về được.

Cục Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Công an Trung Quốc cũng cho biết Mỹ là mảnh đất thu hút những nhân vật có máu mặt nhất ở các ngành kinh tế Trung Quốc. Hiện có hơn 150 đối tượng đến Mỹ trốn cáo buộc tham nhũng. Theo Want China Times, hiện Trung Quốc đã ký hiệp ước hỗ trợ điều tra tham nhũng với 51 quốc gia và ký hiệp ước hỗ trợ dẫn độ tội phạm tham nhũng với 38 quốc gia. Thế nhưng giữa Trung Quốc và Mỹ lại không có hiệp ước dẫn độ. Còn theo China Daily, ở Canada, Australia và Hà Lan cũng vậy. Không chỉ trốn sang các quốc gia phát triển ở châu Âu và Mỹ, tháng 7 vừa qua, 18 nghi phạm cũng đã bị dẫn độ từ Campuchia, Indonesia và Uganda về Trung Quốc xét xử.

NHƯ QUỲNH/SGGP

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn