Vụ bắn rơi MH17 ảnh hưởng thế nào tới cuộc khủng hoảng Ukraine?

Cập nhật ngày: 20/07/2014 05:09:42

Theo giới phân tích, vụ bắn rơi chiếc máy bay thương mại của Malaysia trên bầu trời Ukraine là lời cảnh tỉnh đối với các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng Ukraine, bất kể thủ phạm là ai. Tuy nhiên, Trung Quốc được dự đoán nhiều khả năng sẽ vẫn đứng bên lề cuộc khủng hoảng.


Máy bay bị cháy rụi tại hiện trường ở đông Ukraine.

Cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng giữ chính phủ được Mỹ hậu thuẫn tại Kiev và lực lượng ly khai thân Nga - và một cuộc chiến ngôn từ và các lệnh trừng phạt giữa Kiev và phương Tây - giờ đây lại dẫn tới cái chết cả gần 300 người từ nhiều quốc gia.

Sau vụ tai nạn của chuyến bay MH17, các nhà phân tích bắt đầu đặt ra câu hỏi rằng vụ việc sẽ làm thay đổi cục diện cuộc khủng hoảng ở Ukraine ra sao.

"Đây là một nhân tố mới mà không ai mong đợi", James Collins, cựu đại sứ Mỹ tại Nga và hiện công tác tại Tổ chức hòa bình quốc tế Carnegie, cho hay. "Đó là một trong những sự kiện có thể gây hệ quả tích cực hay tiêu cực không lường trước được".

Ông Collins nhận định, vụ tai nạn đánh dấu một sự leo thang rõ ràng cả về hỏa lực và sự sẵn sàng sử dụng nó, vốn có thể kéo hai bên vào một cuộc đối đầu trực tiếp hơn.

Damon Wilson, một chuyên gia về Ukraine tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho hay bằng chứng liên hệ vụ bắn rơi với các phần tử ly khai, và được sự hỗ trợ của Nga, nhiều khả năng sẽ làm thay đổi quan trọng quan điểm của cộng đồng quốc tế về cuộc xung đột.

Theo ông Wilson, các lãnh đạo thế giới, trong đó có các đồng minh của Mỹ tại châu Âu, vốn xem cuộc xung đột là mang tính khu vực và không muốn chống lại Mátxcơva, có thể buộc phải xem xét lại lập trường.

"Rất khó tiếp tục cuộc chơi đó nếu bạn có bằng chứng rõ ràng về sự liên quan của Nga trong việc bắn rơi một máy bay dân sự", ông Wilson nhận định.

Cả chính phủ Ukraine và phe ly khai đều cáo buộc nhau gây ra thảm họa MH17.

Nga đổ lỗi cho Kiev về vụ việc. Mỹ và các đồng minh phương Tây không cáo buộc đích danh nhưng đang phản ứng theo hướng lực lượng ly khai là thủ phạm.

Cựu đại sứ Collins và các chuyên gia khác cho rằng vụ bắn hạ máy bay có thể là một lời cảnh tỉnh đối với tất cả các bên liên quan.

"Điều đó sẽ khiến một số người đi đến quyết định rằng một cách tiếp cận khác là cần thiết vì tình hình thực sự đang vượt ra khỏi sự kiểm soát", ông Collins nói.

Trung Quốc sẽ vẫn "ba phải"

Nhưng các chuyên gia cho rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ giữ lập trường chờ-và-đợi bất chấp các diễn biến mới.

"Vụ tai nạn, dù ai có là thủ phạm đi chăng những, cũng cho thấy rằng cuộc khủng hoảng đã không được kiểm soát như tân Tổng thống Poroshenko hứa hẹn. Thay vào đó, chính phủ lại mất khả năng kiểm soát cuộc khủng hoảng", Tian Chunsheng, một chuyên gia về các vấn đề Nga tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc, nhận định.

Dù bằng chứng có chĩa vào một bên cụ thể, Trung Quốc sẽ vẫn trung lập trong cuộc khủng hoảng Ukraine, ông Tian nói.

"Không giống thảm họa MH370, không có nhiều công dân Trung Quốc trên MH17, và về mặt địa chính trị cuộc khủng hoảng Ukraine cách xa Trung Quốc. Bắc Kinh nhiều khả năng không tham gia nhiều trong cuộc khủng hoảng", bà Tian cho biết thêm.

Zhang Jianrong, một chuyên gia về Nga tại Viện khoa học xã hội Thượng Hải, cũng nhất trí với quan điểm rằng vụ tai nạn sẽ làm phức tạp thêm cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

"Trung Quốc sẽ tránh nêu tên bất kỳ bên nào chịu trách nhiệm về vụ tai nạn, mà thay vào đó sẽ lên án hành động bắn rơi một máy bay dân sự", ông Zhang nhận định.

Trong một bài bình luận bằng tiếng Anh, hãng tin chính thức Xinhua của Trung Quốc đưa tin rằng các quan chức từ Mỹ, Úc và các quốc gia phương Tây khác đã nhanh chóng kết luận lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine là thủ phạm và đổi lỗi cho Nga làm gia tăng bạo lực.

Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc cho tới nay vẫn không đưa ra nhận định vào về thủ phạm vụ bắn rơi máy bay. Xinhua cho hay ưu tiên hàng đầu lúc này là hợp tác để "tìm ra thủ phạm, dù có là ai đi nữa".

Chuyến bay MH17 chở 298 người đã gặp nạn ngày 17/7 ở miền đông Ukraine khi đang trên đường từ Hà Lan về Kuala Lumpur, Malaysia. Mỹ tin rằng máy bay đã bị bắn hạ bởi một tên lửa đất đối không.

Giới chức Mỹ cho hay, các phân tích tại Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) và các tổ chức tình báo khác đang rà soát các liên lạc nghe lén được, các bức ảnh vệ tình và các thông tin khác trong nỗ lực nhằm xác định ai đã bắn tên lửa.

Theo An Bình/Dân trí

 



< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn