Chủ động phòng bệnh cho trẻ trong mùa nắng nóng

Cập nhật ngày: 13/03/2021 06:39:43

ĐTO - Những ngày qua, thời tiết đang nóng dần lên, báo hiệu bước vào mùa nắng nóng. Đây là thời điểm giao mùa, nhiệt độ thay đổi đột ngột có thể gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe đối với người lớn và trẻ em (TE), nếu không có hệ miễn dịch tốt sẽ rất dễ bị nhiễm bệnh trong mùa nắng nóng.


Trẻ em nhập viện điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp

Đang nuôi con nằm viện tại Khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, chị Nguyễn Thị Thuẫn (32 tuổi, ngụ ấp 3, xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh) với vẻ mặt khá mệt mỏi vì phải chăm con mấy ngày liên tục. Chị cho biết: “Thời tiết thay đổi là con tôi hay bị sốt, ho, sổ mũi nên tôi cũng nghĩ bình thường. Lần này, con bị bệnh nặng hơn, bé bị sốt cao liên tục, tôi liền đưa con vào đây nhập viện. Được bác sĩ chẩn đoán, tôi mới biết cháu bị viêm phổi. Sau đợt này, tôi sẽ chú ý nhiều hơn về cách phòng bệnh cho con và chăm sóc con kỹ hơn”. Còn chị Võ Nguyễn Thị Như Ý (28 tuổi) ngụ ấp Mỹ Đông Nhứt, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh cũng đang nuôi con điều trị tại Khoa nhi nói: “Con tôi sức đề kháng yếu, tôi cũng chủ động giữ ấm cho bé vào buổi sáng, chăm sóc kỹ nhưng do thời tiết thay đổi, nắng nóng nên cháu bị ho nhiều, dẫn đến viêm phổi. Được điều trị 3 ngày qua, con tôi đã đỡ hơn nhiều, ít ho so với lúc mới nhập viện”.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Bùi Li Mông - Phó trưởng Khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, từ ngày 17/2 - 8/3/2021, TE nhập viện điều trị các bệnh liên quan về đường hô hấp chiếm tỷ lệ cao hơn so với các bệnh nhiễm trùng đường ruột, tay chân miệng, sốt xuất huyết... có 10 ca mắc sốt xuất huyết, 42 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM)). TE nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, giật mình, run tay chân,... Các bác sĩ đã tích cực điều trị cho trẻ, đồng thời cũng hướng dẫn các phụ huynh cách phòng bệnh cho trẻ, chú ý chăm sóc, theo dõi sức khỏe trẻ tại nhà để hạn chế bị bệnh trở lại sau khi xuất viện.

Bác sĩ Bùi Li Mông cho biết, mùa nắng nóng độ ẩm trong không khí khá cao là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như: vi khuẩn, siêu vi bùng phát. TE là đối tượng có sức đề kháng còn yếu kém, đặc biệt ý thức tự phòng bệnh chưa cao nên khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài dễ mắc bệnh, vì vậy phụ huynh cần lưu ý để giúp TE phòng bệnh một cách tốt nhất. Với tình hình thời tiết nắng nóng như hiện nay, TE dễ mắc các bệnh thường gặp như: tiêu chảy, ngộ độc thức ăn, nhiễm siêu vi, viêm não Nhật Bản B, viêm màng não TE, tay chân miệng, sốt xuất huyết và một số bệnh khác do thời tiết oi bức gây ra như: rôm sảy, say nắng,...

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ngoài các bệnh liên quan đến mùa nắng nóng ở TE, trong tuần 9 (từ ngày 22-28/2/2021), bệnh TCM ở TE có dấu hiệu tăng nhẹ. Trong tuần toàn tỉnh ghi nhận 56 ca mắc, cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 726 ca mắc TCM, tăng 3,05% (tăng 488 ca) so với cùng kỳ năm 2020. Các ca mắc TCM rơi vào TE nhóm dưới 3 tuổi (không có ca tử vong). Bác sĩ chuyên khoa II Dương Ân Hận - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, bệnh TCM theo chu kỳ thông thường sẽ tăng trong tháng 3 đến tháng 5, sau đó giảm xuống, vào tháng 9 sẽ tăng trở lại. Bệnh TCM do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng phụ thuộc nhiều vào việc giữ vệ sinh hằng ngày cho trẻ. Nguồn lây bệnh chủ yếu từ người lớn lây cho trẻ qua khâu chế biến thức ăn, TE lây cho TE thông qua chơi đồ chơi chung, sàn nhà không được vệ sinh kỹ cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị TCM.

Để phòng bệnh cho TE, đặc biệt là trong mùa nắng nóng, bác sĩ chuyên khoa II Dương Ân Hận khuyến cáo, các phụ huynh cần lưu ý tạo môi trường sống thông thoáng, trong lành cho TE; giữ ấm cơ thể bé vào buổi sáng, hạn chế quạt gió cho trẻ, không để trẻ trong môi trường máy điều hòa suốt ngày để phòng bệnh viêm phổi; cho TE ăn uống cẩn thận, ăn những thức ăn dễ tiêu hóa để tránh các bệnh về đường ruột, ngộ độc thực phẩm. Song song đó, chú ý vệ sinh sàn nhà, đồ chơi của trẻ, rửa tay cho trẻ trước khi ăn để phòng bệnh TCM. Khi trẻ có biểu hiện sốt kéo dài, li bì nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn